Cuộc đua ghế Thủ tướng Italia ngày càng nóng

Cuộc đua ghế Thủ tướng Italia ngày càng nóng
TP - Trong những ngày này, chính trường ở Italia đang nóng lên khác thường trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào 9 và 10/4 tới.
Cuộc đua ghế Thủ tướng Italia ngày càng nóng ảnh 1
Đương kim Thủ tướng Italia Berlusconi (phải) và ứng cử viên cánh tả đối lập Prodi

Cuộc tranh luận nảy lửa trên truyền hình lần thứ hai vào đêm 3/4 vừa qua giữa Thủ tướng Silvio Berlusconi, thủ lĩnh của liên minh trung hữu đang cầm quyền và lãnh tụ liên minh trung tả đối lập Romano Prodi làm cho bầu không khí tranh cử thêm sôi động.

Cả hai đều “tung chưởng” để tranh giành số phiếu của 23% số cử tri còn do dự trong bối cảnh các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy phe đối lập đang dẫn từ 3 đến 5 điểm.

Đây là một tỷ lệ có thể thay đổi được nếu số người dùng dằng đứng hẳn về một phía.

Cánh hữu: Hứa hẹn song hành hù dọa

Liên minh trung hữu của Thủ tướng Berlusconi bước vào năm bầu cử trong một tình thế rất khó khăn. Nền kinh tế của đất nước năm 2005 chỉ tăng trưởng  0,1% thâm hụt ngân sách ở mức 4,1% GDP, cao hơn nhiều mức 3% mà Liên minh châu Âu EU cho phép.

Bước vào cuộc đua trong tình thế như vậy, Thủ tướng đương nhiệm đã đưa ra một chương trình tranh cử với rất nhiều lời hứa: Giảm thuế, tạo thêm 1,5 triệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4,5%; tăng trợ cấp tối thiểu cho người về hưu lên 800 euro/tháng, người trên 70 tuổi đi xe buýt, xem phim, xem thể thao không mất tiền; chấm dứt tình trạng phải chờ đợi ở các bệnh viện, hoàn thành 80% các công trình xây dựng hạ tầng lớn, bán 900.000 căn hộ cho những người chưa có nhà ở trong 5 năm tới.

Và đặc biệt, trong buổi tranh luận trên truyền hình, vào phút chót của chương trình, Thủ tướng Berlusconi bất ngờ tuyên bố sẽ miễn thuế cho những người lần đầu tiên mua nhà, làm ngỡ ngàng ngay cả đối với nhiều đồng minh của ông.

Tuy nhiên, trước đó, khi bị ông Prodi chất vấn liên minh trung hữu sẽ lấy tiền ở đâu để thực hiện những dự án đầy tham vọng trong cương lĩnh của mình, thì ông Berlusconi đã tránh trả lời thẳng vào câu hỏi của đối thủ và chỉ nói: “Chuyện này tôi sẽ nói riêng với ông sau”.

Để tấn công phe đối lập, Thủ tướng đương nhiệm đã thực hiện chiến lược “hù dọa”. Ông dọa rằng nếu phe tả thắng cử thì gánh nặng thuế khoá đối với dân chúng sẽ tăng lên, làm cho những người có thu nhập thấp và cao đều lo lắng, mặc cho phe đối lập ra sức phản đối đó là những lời bịa đặt vì phái tả “chỉ tăng thuế đối với những người giàu, những triệu phú euro” mà thôi.

Cánh tả: Thảm cảnh đất nước là do chính phủ yếu kém

Là một giáo sư kinh tế, chương trình vận động tranh cử của cựu Thủ tướng Prodi tập trung vào việc tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Italia thông qua những cải cách mang tính cơ cấu và việc làm lành mạnh hoá nền tài chính bằng quyết tâm chống tình trạng trốn thuế nghiêm trọng hiện nay, ở mức 200 tỷ euro trong 5 năm qua.

Ông hứa sẽ tăng việc làm, tăng đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu khoa học, chăm lo cuộc sống gia đình, tăng vai trò của người phụ nữ, củng cố sự đồng thuận của xã hội...

Phe đối lập khoét sâu vào nỗi đau và thực tế khó chối cãi là nền kinh tế đất nước đang suy thoái, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn so với trước, sức mua giảm sút, phần lớn người dân hết tiền tiêu từ giữa tháng, nhiều mặt hàng trước đây là thế mạnh của Italia như ô tô, xe máy, hàng thời trang, da giầy, gạch men, thiết bị nhà tắm vv... bị hàng ngoại lấn lướt.

Nền kinh tế Italia ốm yếu đến mức tạp chí “Nhà kinh tế” của Anh ví như “một con bệnh của châu Âu”. Phe đối lập cho rằng trình trạng bi thảm này đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo yếu kém của Chính phủ trong 5 năm qua. 

Bên cạnh chiến lược khoét sâu vào tâm lý bi quan, muốn thay đổi của dân chúng, liên minh trung tả còn tố cáo Thủ tướng lợi dụng chức vụ để thông qua những luật có lợi cho mình...

Người dân Italia nghĩ gì?

Nếu nói chuyện với những người dân Italia trong những ngày này, phần lớn đều cho rằng đất nước đang phải trải qua một thời kỳ chuyển tiếp khó khăn.

Sự suy thoái của nền kinh tế Italia không bắt nguồn từ những nguyên nhân nhất thời, mang tính động thái, mà bắt nguồn từ những nguyên nhân mang tính cơ cấu, cần phải có những cải cách mang tính triệt để và cũng cần phải có thời gian mới khắc phục được.

Đó là một nền sản xuất dựa trên các xí nghiệp vừa và nhỏ cũng như kinh tế mang tính gia tộc và dòng họ, một thời là động lực thích hợp cho sự phát triển nay đã không còn phù hợp với một thế giới toàn cầu hoá.

Dù là ai thắng cử đi nữa, thì điều mà dân chúng quan tâm nhất vẫn là bữa cơm trên bàn của họ phải có nhiều rượu, thịt hơn, trong túi họ tiền phải rủng rỉnh cả trong những ngày cuối tháng, công ăn việc làm phải được bảo đảm, con cái được học hành, người về hưu được hưởng tuổi già trong no đủ.

Ngày 9 và 10 /4 tới, những người Italia sẽ đến các hòm phiếu để lựa chọn ra người dẫn dắt đất nước trong 5 năm tới.

“Cánh tả hay cánh hữu, điều đó không quan trọng. Prodi hay Berlusconi, ai cũng vậy thôi vì đều là những khuôn mặt cũ. Điều quan trọng nhất là mọi việc phải tốt hơn trước, đơn giản chỉ có thế”, một ông lão về hưu đã nói như vậy với người viết bài này trong một quán cà phê ở đường Sirte, thành phố Roma.

Lưu Vạn Kha
Từ Rome

MỚI - NÓNG