Cuộc gặp bất bình đẳng của lãnh đạo Nga – Trung

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN.
TPO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn 20 lần kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc lên nắm quyền năm 2012. Dù hai bên thăm viếng nhau thường xuyên và đã có những chuyển dịch lớn về môi trường địa chiến lược, hợp tác kinh tế Nga – Trung vẫn chưa thể phát triển xứng tầm.

Hai nhà lãnh đạo sẽ lại gặp nhau trong tuần này khi ông Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước đến Mátxcơva trước khi dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức. Nhưng đây sẽ không phải một cuộc gặp bình đẳng về kinh tế.

“Trung Quốc mỗi ngày đều lớn mạnh hơn. Dù ông Putin có sức mạnh chính trị nhưng nước Nga đang suy giảm về cơ cấu”, CNN dẫn lời ông Ian Bremmer, Chủ tịch hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group.

Những hy vọng về mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn giữa Mátcơva và Bắc Kinh bắt đầu từ năm 2014, khi Nga hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây do vấn đề Ukraine.

Bị hạn chế tiếp cận nguồn tài chính của phương Tây, Nga nhìn về hướng đông khi giá dầu lao dốc. Ông Putin tìm thấy Trung Quốc.

Sau nhiều năm đàm phán, Mátxcơva và Bắc Kinh ký một thỏa thuận trong 30 năm vào năm 2014 để cung cấp khí đốt tự nhiên cho thị trường mới nổi lớn nhất thế giới. Hợp đồng đó trị giá khoảng 400 tỷ USD.

Cả hai bên đều có lợi. Trung Quốc đói năng lượng và không muốn quá phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Đông đi qua biển Đông đang có tranh chấp.

Nhưng giới phân tích cho rằng, ngoài thỏa thuận mang tính trưng bày này, Mátxcơva không thể hiện gì nhiều để “quyến rũ” Bắc Kinh.

“Từng có nhiều phô trương về sự “xoay trục sang châu Á” của Nga, nhưng kết quả không có gì mấy. Ít nhất là không như Kremlin hy vọng”, ông Gustav Gressel, chuyên gia của Hội đồng châu Âu về đối ngoại, nhận xét.

Dù vấn đề cần đa dạng hóa nền kinh tế đã được nói đến nhiều năm nhưng dầu và khí đốt vẫn chiếm hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu và 1/3 nguồn thu của chính phủ Nga.

Vì thế Trung Quốc không giúp được nhiều để Nga đối phó với những biện pháp trừng phạt nặng nề của phương Tây và giá dầu giảm thê thảm.

Kinh tế Nga rơi vào giai đoạn suy thoái 2 năm, bắt đầu từ năm 2015. Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5%/năm trong 3 năm tới. Giai đoạn 2010-2012, kinh tế Nga tăng trưởng hơn 3,5%.

Nhưng thương mại giữa Nga và Trung Quốc vẫn không phát triển mấy trong những năm gần đây.

Nga buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ đối tác nào khác ngoài Liên minh châu Âu, với giá trị xuất khẩu tăng 9,6% trong năm 2016, cao hơn mức 7,5% của năm 2014. Nhưng Nga không nằm trong top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Mức đầu tư từ Trung Quốc cũng tương tự. Giới phân tích cho rằng Nga không phải điểm đến hấp dẫn lắm cho giới đầu tư Trung Quốc vì các vấn đề như tính rủi ro.

Trung Quốc nay đang triển khai kế hoạch “Vành đai Con đường” nhằm tái định hình thương mại ở châu Á và châu Âu.

Bắc Kinh tính sẽ rót tiền vào phát triển các tuyến đường sắt, đường cao tốc và nhiều dự án khác ở các nước mà Nga coi như sân sau của họ như Kazakhstan và Uzbekistan. Nhưng bản thân Nga cũng không nằm trong kế hoạch này của Trung Quốc.

Khi hợp tác kinh tế song phương không có dấu hiệu thay đổi nhanh chóng, cuộc gặp thượng đỉnh lần này giữa ông Tập và ông Putin được dự báo sẽ nghiêng về vấn đề chính trị nội bộ.

Ông Gressel cho rằng, đối với Tổng thống Putin, cuộc gặp với ông Tập là hành động mang tính biểu tượng để thể hiện với người dân Nga về địa vị của ông trong nền chính trị thế giới. Điều đó là cần thiết cho cuộc bầu cử năm 2018.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG