Cuộc sống ở thành phố Ramadi dưới sự cai trị của IS

Khung cảnh hoang tàn bên trong thành phố Ramadi, Iraq. Ảnh: World Bulletin
Khung cảnh hoang tàn bên trong thành phố Ramadi, Iraq. Ảnh: World Bulletin
Chết chóc là tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy, đó là lời miêu tả ngắn gọn của một người dân Ramadi sau nhiều tháng sống dưới sự cai quản của Nhà nước Hồi giáo IS. Ở đây giống như địa ngục và thân phận của những người dân không khác gì nô lệ.

Người đàn ông trên cùng 50 gia đình khác ngày 30/12  được sơ tán khỏi Ramadi sau khi chính quyền Iraq tuyên bố giải phóng hơn 70% thành phố chiến lược này khỏi tay Nhà nước Hồi giáo (IS). Đồ dùng mà họ mang theo không có gì ngoài bộ trang phục đang mặc trên người, theo VOA.

"Khi lực lượng an ninh ở tỉnh Anbar bị đánh bại, cuộc sống của chúng tôi chẳng khác gì cái chết. Thậm chí ngay cả khi có người bảo với tôi rằng chúng ta đang sống, điều đó vẫn có chút gì đó không đúng", người đàn ông này nói. "Chết chóc là tất cả những gì chúng tôi thấy. Những kẻ điên cuồng, không mảy may quan tâm đến nhân tính, kiểm soát chúng tôi. Chúa trời phù hộ các bạn vì đã giải cứu chúng tôi".

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ cùng chính quyền Iraq đang nỗ lực hết sức, chạy đua với thời gian để có thể nhanh chóng đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người dân như thức ăn, nước uống, lều trại khi mà mùa đông đang đến gần.

"Theo những gì chúng tôi nghe được, người dân đang gặp khó khăn trong việc sơ tán khỏi khu vực", Grainne O’Hara từ Ủy ban Người Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho hay.

"Hãy đặt mình vào hoàn cảnh những người ở đó", bà O’Hara nói. "Hầu hết bọn họ đang phải trốn chạy trong điều kiện vô cùng tồi tệ. Họ chỉ có thể mang theo quần áo và các vật dụng cá nhân nhỏ gọn".

Theo UNHCR, vẫn còn những khu vực ở Ramadi không được an toàn, nhiều nơi trải đầy bom đạn. Các cuộc xung đột cùng đòn không kích nhằm tái chiếm thành phố đã phá hủy nhiều nhà cửa, đường sá, các công trình phục vụ dân sinh như trạm điện, nguồn cung cấp nước...

Một bộ phận người tị nạn còn xuất hiện triệu chứng bị tổn thương về tâm lý, bà O’Hara cho biết thêm.

Phiến quân IS được cho là đã dùng cả dân thường làm lá chắn sống để bảo vệ những tay súng của tổ chức trong các cuộc giao tranh.

Cuộc sống ở thành phố Ramadi dưới sự cai trị của IS ảnh 1

Vị trí thành phố Ramadi. Đồ họa: BBC

"Chúng tôi đã sơ cứu, cung cấp thức ăn và trả tự do cho hơn 52 gia đình bị Daesh sử dụng làm lá chắn sống. Cảm ơn Chúa trời vì chúng tôi đã cứu được họ và nay chúng tôi đang chuyển họ tới nơi an toàn hơn", lãnh đạo đơn vị chống khủng bố Iraq Salam Hussein nói, sử dụng tên viết bằng tiếng Arab của IS.

Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 30/12 , một quan chức tình báo liên quân tiết lộ hiện vẫn còn 700 chiến binh IS đóng quân tại trung tâm thành phố và khu ngoại ô phía tây.

Um Mohammed chia sẻ đối với ông cuộc sống trong hang ổ của IS giống như địa ngục và thân phận của những người dân bình thường như ông không khác gì nô lệ. Mohammed là một giáo viên vật lý trốn chạy thành công khỏi Ramadi.

"IS coi phụ nữ như súc vật vậy", Mohammed nói.

Nhiều người phải vật lộn để sinh tồn chỉ dựa vào số rau củ và bột mỳ ít ỏi mà các tay súng cung cấp, ông cho biết thêm. Tình trạng thiếu khí đốt thường xuyên xảy ra. Người dân phải đốt gỗ để sưởi ấm và sinh hoạt.

Theo lời kể của Omar, một cư dân khác ở Ramadi, anh cùng một số người phải ăn bánh mỳ cũ và khoai tây thối để sống sót qua ngày.

"Nhiều khi tôi nghĩ chắc có lúc mình sẽ phải giết thịt cả những con mèo cưng mình nuôi để tồn tại vì không còn gì ăn", Omar nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG