Cuộc 'thập tự chinh' của máy bay SU

Cuộc 'thập tự chinh' của máy bay SU
TP - Riêng năm 2004, tổ hợp công nghiệp quân sự Sukhoi đã thu về 45 tỷ rup nhờ bán máy bay. Theo xác nhận của ông Povesenco, cố vấn của Tổng giám đốc Sukhoi, hiện tại, máy bay quân sự chiếm tới 40% tổng khối lượng xuất khẩu vũ khí trang bị của Nga.
Cuộc 'thập tự chinh' của máy bay SU ảnh 1
Máy bay SU-30 xuất khẩu của Nga

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các phương tiện chiến tranh siêu hiện đại được chào hàng và bán cho bất cứ ai.

Còn các tổ hợp công nghiệp quân sự thì được dịp giàu lên với tốc độ chóng mặt. Trong cuộc mua bán nhộn nhịp đó, nổi lên “cuộc thập tự chinh” của dòng máy bay SU (Nga) lừng danh thế giới.

Chỉ tính riêng trong năm 2004, tổ hợp công nghiệp quân sự Sukhoi đã thu về 45 tỷ rup nhờ bán máy bay. Theo xác nhận của ông Povesenco, cố vấn của Tổng giám đốc hãng Sukhoi, hiện tại, máy bay quân sự chiếm tới 40% tổng khối lượng xuất khẩu vũ khí trang bị của Nga.

Trên thị trường thế giới, máy bay dòng SU của Nga chiếm tới 25% khối lượng xuất khẩu máy bay chiến đấu, trong đó hai loại xuất khẩu chủ yếu là SU-27 và SU-30. Thông thường, Nga không chỉ xuất khẩu máy bay SU mà còn xuất khẩu các công nghệ chế tạo.

Gần đây, Sukhoi thu được khoản lợi nhuận khổng lồ từ các dịch vụ cung cấp phụ tùng cho các máy bay SU của Nga đã từng bán ra thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia phân tích, hãng công nghiệp hàng không Sukhoi của Nga đang cạnh tranh ngang ngửa với các hãng hàng không hàng đầu thế giới như Lockheed Martin và Boeing của Mỹ.

Ấn Độ là một trong những khách hàng quen thuộc và “cốt tử” nhất của Sukhoi. Vừa qua, Ấn Độ đã tiến hành sản xuất theo giấy phép của Moscow những chiếc SU-30MKI đầu tiên trong số 140 chiếc mua của Nga.

Ấn Độ và Nga đang chuyển từ hình thức mua bán thông thường sang hình thức cùng phối hợp chế tạo máy bay và các loại vũ khí khác, trong đó có máy bay Su-30MKI. Xét theo tính năng, SU-30MKI là máy bay đa năng, có tính vượt trội so với đa số máy bay cùng loại của phương Tây.

Malaysia là quốc gia đã từng nhập khẩu máy bay MIG-29 của Nga, nay đã ký kết hợp đồng để mua 18 máy bay chiến đấu SU-30MKM với tổng giá trị hợp đồng gần 1 tỷ USD. Loại máy bay SU-30 xuất khẩu sang Malaisia được phía Nga chế tạo trên cơ sở máy bay SU-30MKK đã từng được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Venezuela sẽ nhập khẩu gần 30 máy bay chiến đấu đa năng SU-30MK2 của Nga để thay thế các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ mà nước này đã từng nhập khẩu cách đây vài thập niên.

Mỹ đã ngừng cung cấp phụ tùng thay thế cho những vũ khí trang bị đã từng xuất khẩu sang Venezuela. Vì thế, Venezuela chuyển sang mua vũ khí của Nga và máy bay chiến đấu siêu hạng SU-30MK đã được họ đưa vào “điểm ngắm”. 

Syrie cũng đang đề nghị Nga bán máy bay SU-30 cho họ với lý do máy bay của Nga có tính năng vượt trội so với các máy bay cùng loại F-15 Super Eagle của Mỹ, hiện có trong trang bị của Israel - một đối thủ đáng gờm của Syrie.

Theo tin của báo The Jerusalem Post, Iran cũng đang có ý định mua của Nga khoảng 250 máy bay chiến đấu SU-30, trị giá 15 tỷ USD. Nếu hợp đồng này được thực thi, đây là vụ “làm ăn” lớn nhất của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga trong suốt thời gian dài kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

SU-30MK có thể bay với tốc độ nhanh gấp 2 lần tốc độ âm thanh và hoạt động trong vòng bán kính 1.600 km, có thể phóng các loại tên lửa và bom “thông minh” từ cự ly 300 km và có các phương tiện làm “mù” và “điếc” các phương tiện phòng không của đối phương.

MỚI - NÓNG