Cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và những ngày hưu trí

Cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và những ngày hưu trí
TP - Sau khi nghỉ hưu, cái vẻ nghiêm khắc và nghiêm túc người ta vẫn quen thấy ở Chu Dung Cơ đã dần nhòa đi, khuôn mặt ông hiền từ, ôn hòa và trông có nhiều nụ cười hơn trước.
Cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và những ngày hưu trí ảnh 1
Sau khi nghỉ hưu, ông Chu Dung Cơ thích kéo đàn nhị, hát kinh kịch

Hiện ông có nguyên tắc lớn nhất là không nói chuyện công việc với bất cứ ai, nhưng lại thích chuyện trò thoải mái với những con người giữa đời thường.

Ông đọc sách, luyện chữ, kéo đàn nhị, khi cao hứng lại làm một trích đoạn kinh kịch để “phụ xướng phu tuỳ” cùng bà Lao An, phu nhân của ông.

Nguyên tắc tối cao là không nói chuyện công việc

Nguyên tắc lớn nhất sau khi về hưu của Chu Dung Cơ là không nói chuyện công việc. Ông bày tỏ rõ ràng, bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính (không ở vị trí ấy, không bàn công chuyện ấy). Nay ông Chu Dung Cơ không còn tại vị, yêu cầu bất kỳ ai cũng đừng có bàn chuyện công việc với ông.

Sau khi rời chiếc ghế thủ tướng tại Trung Nam Hải, Chu Dung Cơ cũng không cư trú cố định tại Bắc Kinh, ông từng tới Thượng Hải, tới Hồ Nam, tới Quảng Đông. Dù là ở chốn kinh thành hay ngoại tỉnh, ông đều hết sức né tránh bàn chuyện công việc khi phải tiếp xúc với giới quan chức địa phương.

Ở TQ có một tập tục là, đối với người lãnh đạo nhà nước dù đã rời khỏi chức vị, nhưng mỗi khi họ về nghỉ dưỡng ở đâu đấy, giới lãnh đạo địa phương vẫn quen đến chào xã giao, cứ mỗi lần như thế, vị cựu Thủ tướng thẳng tính bao giờ cũng nhanh miệng tỏ thái độ miễn bàn chuyện công việc.

Lúc còn đương chức, Chu Dung Cơ nổi tiếng là con người “công việc”. Kể từ năm 1951, sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và bước vào công tác, bao gồm cả thời gian bị đánh thành “phái hữu”, phải quản thúc cải tạo, tính ra tổng cộng thời gian làm việc của ông là hơn nửa thế kỷ.

Sống cùng công việc hơn 50 năm, làm việc đã trở thành thói quen, và là cuộc sống thứ hai của ông. Vậy mà năm ấy, ông nói buông là buông luôn, không chút lấn cấn, đủ thấy cá tính khảng khái của ông.

Chu Dung Cơ coi trọng vấn đề “không bàn công việc” đến vậy, là vì ông có sự suy ngẫm sâu sắc. Là người tiền nhiệm, ông đã bàn giao triệt để công việc cho người kế nhiệm Ôn Gia Bảo.

Nếu như vẫn còn tham công tiếc việc, không những sẽ bất lợi cho việc điều hành của nhà lãnh đạo mới ở Quốc vụ viện, mà nó cũng không đúng với cốt cách ứng xử ở ông.

Vì vậy Chu Dung Cơ đã chủ động né tránh trao đổi những gì liên quan đến “vấn đề công việc”, không để đưa đến dù chỉ chút xíu những ảnh hưởng bị động.

Văn bút thượng thặng, trí nhớ tuyệt vời

Khi đương nhiệm, dù bận rộn công việc, nhưng khối lượng đọc mỗi ngày của Chu Dung Cơ vẫn rất lớn, ngoài các văn kiện và tài liệu báo cáo, ông kiên trì đọc báo chí trong nước, báo chí hải ngoại, cả những tờ báo nguyên bản tiếng Anh.

Thời đó, khách nước ngoài được ông tiếp dù cho ở tầm cỡ nào, không ai là không nể phục tầm rộng kiến thức và trí nhớ tuyệt vời của ông. 

Giờ đây, dù đã rời khỏi vũ đài chính trị, nhưng thói quen đọc đã hình thành từ nhỏ ở ông vẫn không hề thay đổi. Ông lên kế hoạch đọc những thư tịch cổ, sử học, triết học, sách khoa học, chân dung nhân vật, và nhiều thể loại khác.

Nét thư pháp của Chu Dung Cơ mạnh mẽ và phóng khoáng. Năm 1988, nhân dịp sinh nhật lần thứ 60, Chu Dung Cơ đã dụng tâm viết 4 chữ “Thanh Chính Liêm Minh” để tự răn, chưa nói đến hàm ý chính trị và chí hướng cá nhân trong đó, nhìn 4 chữ viết này ta có thể thấy được công lực thâm hậu của thư pháp Chu Dung Cơ.

Người TQ ai cũng biết khi tại vị, Chu Dung Cơ rất ít lưu bút đề tự, nay nghỉ hưu có rộng rãi thời gian cho thư pháp, chữ ông viết càng đẹp và đanh hơn nhưng đối với những ai xin chữ, ông vẫn giữ sự chừng mực khó tính.

Ngọt bùi có nhau

Chu Dung Cơ sinh ngày 1/10/1928, khi còn trong bụng mẹ, cha ông đã qua đời. Năm 10 tuổi, ông mất mẹ, từ nhỏ ông được bác Chu Học Phương dạy dỗ nuôi dưỡng.

Ngoài công việc kinh doanh, bác ông yêu thích kinh kịch, giỏi chơi đàn nhị; chịu sự ảnh hưởng của bác, nghệ thuật kinh kịch đã trở thành niềm say mê từ thời thơ ấu của Chu Dung Cơ.

Bà Lao An là em gái một người bạn thời trung học của Chu Dung Cơ, tính tình ôn hòa tháo vát, sau khi lấy nhau, trong suốt quãng đời chung sống, dù Chu Dung Cơ có vấp phải sóng gió chính trị gì đi nữa, bà vẫn không bỏ không rời, trước sau như một, hoạn nạn có nhau.

Trước khi Chu Dung Cơ rời nhiệm sở, mỗi dịp phải hiện diện trong tư cách phu nhân thủ tướng, bà Lao An bao giờ cũng lặng lẽ bên cạnh phu quân và mỉm cười khiêm nhường.

Điều trùng hợp là bà Lao An cũng say mê hát kinh kịch, từng học bài bản trường phái Mai Lan Phương (bậc thầy kinh kịch TQ-ND). Thời vợ chồng Chu Dung Cơ còn học ở Đại học Thanh Hoa, cả hai đều sinh hoạt trong đội kinh kịch nhà trường, nay bước sang tuổi già, cao hứng vợ chồng ông lại làm một màn kinh kịch tại gia.

Thấy phu nhân bắt đầu đằng hắng lấy giọng, Chu Dung Cơ lại ngồi ngay bên cạnh, so đàn đệm tấu cho bà. Cảnh tượng “phụ xướng phu tuỳ” của đôi vợ chồng già ấy thật là vui.

Lưu danh thanh liêm và nỗi niềm cố hương

Quê gốc Chu Dung Cơ vốn ở tỉnh Hồ Nam, sau khi gia cảnh sa sút, thân phụ Chu Dung Cơ là Chu Hy Thánh phải di cư lên sinh sống tại thành phố Trường Sa. Năm 17 tuổi, Chu Dung Cơ có một lần duy nhất về thăm quê cũ.

Thời Chu Dung Cơ làm thủ tướng, bà con đồng hương tha thiết mong ngóng ông trở về thăm quê, nhưng ông đã không thể về. Sau khi nghỉ hưu, các cán bộ quê nhà càng tận tình mời ông về thăm, nhưng rồi Chu Dung Cơ vẫn không thể về.

Chu Dung Cơ không phải thiếu tình cảm quê hương, mà là ông vẫn còn mối lo trong lòng. Lúc còn đương chức, ông lo quê nhà sẽ sử dụng ảnh hưởng của ông để hành sự; giờ nghỉ việc rồi, ông lại lo quê hương sẽ lấy tên tuổi ông để quảng bá du lịch.

Thật ra con người từ nhỏ biền biệt quê hương, đến già vẫn không thể về không phải chỉ có mình ông… 

Đặng Tiểu Bình từ biệt quê hương Quảng An, Tứ Xuyên sang Pháp hoạt động từ thời niên thiếu, dù sau giải phóng, vào  những năm 50 thế kỷ trước, ở cương vị Bí thư Tây Nam cục thường trú tại Trùng Khanh (tỉnh lỵ Tứ Xuyên khi đó), Đặng Tiểu Bình cũng không về thăm quê, rồi cho đến cuối đời, ông cũng không một lần được quy hương.

Thời còn điều hành công tác chính phủ, Chu Dung Cơ từng nhiều lần, và ở nhiều dịp khác nhau giới thiệu với các quan chức một câu châm ngôn đời Minh được ghi tạc trên bia đá ở Tây An: “Quan lại không sợ ta nghiêm khắc, nhưng họ sợ ta liêm khiết; Dân không nể phục ta giỏi giang, nhưng họ nể phục ta công bằng; công bằng thì dân không dám nhờn,  liêm khiết thì quan lại không dám khinh khi. Công bằng sinh ra sáng suốt, liêm khiết sinh ra uy nghiêm”.

Chu Dung Cơ cho biết từ nhỏ ông đã thuộc lòng câu châm ngôn này, ông mong muốn mỗi quan chức đều hiểu được đạo lý trong đó.

Ông từng nói trong cuộc họp báo, sau khi về hưu, chỉ cần được dân chúng đánh giá là một quan chức thanh liêm, là ông cảm thấy thỏa mãn lắm rồi.

Phó Thiên Tùng
Dịch từ báo chí TQ

MỚI - NÓNG