Cựu Tổng thống Akaiép trở lại với khoa học

Cựu Tổng thống Akaiép trở lại với khoa học
Sau khi tuyên bố từ chức Tổng thống, ông Akaiép đã ở lại Nga tiếp tục con đường nghiên cứu. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi Akaiép vốn là nhà khoa học tài năng.

Rất có thể sự “tái hoá thân” của ông Akaiép từ Tổng thống thành nhà khoa học là do sự gợi ý của Viện Hàn lâm khoa học Nga. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Nga Ghennađi Mexiát đã hứa sẽ bố trí công việc nghiên cứu cho ông Akaiép ở Maxcơva. Bản thân ông Akaiép trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây cũng tuyên bố rằng nếu ông không có điều kiện trở về Cưrơgưxtan thì ông sẽ ở lại Nga làm khoa học.

Không ít người không tin vào sự “tái hoá thân” đó của ông Akaiép. Nhưng nếu nhìn vào quá trình hoạt động khoa học của ông Akaiép trước đây thì có thể khẳng định rằng ông Akaiép có mọi cơ sở để chứng minh rằng vật lý mới thực sự là “chuyên môn” chủ yếu của ông, còn “nghề Tổng thống” chỉ là nghề “tay trái” mà thôi.

Ông Akaiép tỏ ra có năng khiếu khoa học ngay từ trẻ. Ông tốt nghiệp phổ thông với huy chương vàng. Năm 1968, ông tốt nghiệp xuất sắc trường Đại học Cơ học chính xác và quang học Lêningrát.

Tiếp đó, ông theo học hệ nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ với đề tài “Những cơ sở lý thuyết và những phương pháp tính toán các hệ thống chụp ảnh giao thoa laze, bảo quản và cải biến thông tin kỹ thuật số”.

Từ năm 1972 đến năm 1986, ông làm việc tại trường Đại học Bách khoa Phrunde và lần lượt là trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, chủ nhiệm bộ môn “Các hệ thống quản lý tự động và kỹ thuật tính toán”.

Nói cách khác, ông Akaiép về thực chất không chỉ là Tổng thống đầu tiên mà còn là nhà lập trình đầu tiên của Cưrơgưxtan. Năm 1978, với sự hỗ trợ tích cực của ông, bộ môn của ông đã thành lập nhóm “Nhà lập trình trẻ tuổi” cho các em học sinh thành phố Phrunde. Ông đích thân làm việc với nhóm này, đọc loạt bài giảng “Phương pháp lập trình và máy tính điện tử”.

Năm 1980, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Kỹ sư vật lý  Maxcơva. Hoạt động của ông trong lĩnh vực máy tính và chụp ảnh giao thoa laser được các chuyên gia đánh giá cao.

Năm 1984, ông được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học nước Cộng hoà Xô viết Kiếcghidi (tên cũ của Cưrơgưxtan). Song song với sự nghiệp khoa học rực rỡ, ông còn tham gia hoạt động chính trị và dần dần sự nghiệp khoa học bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Năm 1986, ông trở thành Trưởng ban Khoa học và Giáo dục trực thuộc BCHTƯ ĐCS Kiếcghidi. Năm 1989, ông được bầu vào đoàn Chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học Kiếcghidi. Cũng năm 1989, ông được bầu làm Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô.

Và ngày 27/10/1990 đã xảy ra một bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của ông, khi ông được bầu làm Tổng thống Kiếcghidi. Trong “hành trang khoa học” của ông có hơn 150 công trình khoa học, trong số đó có 15 chuyên khảo, hơn 43 bài báo, 7 phát minh sáng chế, 38 đề cương báo cáo. Ông cũng đã hướng dẫn 29 luận án Phó Tiến sĩ và 3 luận án Tiến sĩ. Ông còn là Tiến sĩ danh dự của Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Với tài năng nghiên cứu và “hành trang khoa học” phong phú như vậy, việc ông Akaiép sẽ trở lại hoạt động khoa học là điều dễ hiểu. Theo lời Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Ghennađi Mexiát, tương lai khoa học của ông Akaiép là đầy triển vọng.

Ông cho biết: “Tôi sẵn sàng lấy ngay nhà khoa học xuất sắc này vào làm việc tại Viện Vật lý điện của Viện Hàn lâm khoa học Nga” và tin rằng ông Akaiép sẽ có thể trở thành một nhà vật lý nổi tiếng không kém gì một Tổng thống và thậm chí còn nổi tiếng hơn một Tổng thống.

Như vậy, ông Akaiép có thể tự hào vì không phải Tổng thống nào bị lật đổ cũng có thể trở lại khoa học một cách đàng hoàng như vậy. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn chưa hết nghi ngờ: liệu mong muốn trở lại với khoa học của ông Akaiép có che giấu một ý đồ gì đó không?

Biết đâu, đó chỉ là “kế hoãn binh”, là biện pháp tạm thời ẩn mình trong bóng tối để rồi lại trở lại nền chính trị lớn? Bởi lẽ cho tới nay, ông Akaiép vẫn có rất nhiều người ủng hộ ở Cưrơgưxtan và cách xử sự mềm mỏng của ông trong những ngày “cách mạng hoa tuylíp” và chuyển giao chính quyền chỉ làm tăng thêm uy tín chính trị của ông. 

MỚI - NÓNG