Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton: Mở rộng vòng tay thay vì trả đũa, đối đầu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngày 2/7 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngày 2/7 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
TP - Ngày 2/7 tại Hà Nội, trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khẳng định, phía Mỹ coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Ông Clinton kêu gọi, thay vì trả đũa và đối đầu, hai bên hãy mở rộng vòng tay và hợp tác với nhau.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tiếp ông Bill Clinton, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những đóng góp của cựu Tổng thống Mỹ và Phu nhân Hillary Clinton trong quá trình dỡ bỏ cấm vận thương mại, bình thường hóa và tích cực thúc đẩy quan hệ song phương Việt - Mỹ trong 20 năm qua, đặc biệt là các hoạt động của Quỹ Clinton trong việc hỗ trợ Việt Nam xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế, bảo vệ môi trường ... Tổng Bí thư khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng và nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước.

Ông Clinton khẳng định, Mỹ coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Ông cũng tán thành sự cần thiết tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Tổng thống Bill Clinton cũng đã trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Tiếp thân mật ông Clinton cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cựu Tổng thống Mỹ nhất trí cho rằng, những thành quả to lớn trong quan hệ hai nước xuất phát từ tầm nhìn và quyết tâm của cả hai phía trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao và phát triển hợp tác với tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Hai bên tôn trọng lẫn nhau, tích cực trao đổi thẳng thắn và xây dựng để tăng cường hiểu biết, giảm bớt những khác biệt, từng bước xây dựng và củng cố lòng tin nhằm triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Đây là bài học quý báu, chìa khóa thành công trong quan hệ hai nước không chỉ cho 20 năm qua mà còn có giá trị lâu dài cho quan hệ hai nước trong tương lai.

Về quan hệ thương mại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh thiện chí của cả hai bên trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chủ tịch nước đánh giá nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác về quốc phòng - an ninh, cụ thể hóa các cam kết thương mại giữa hai nước; đồng thời hoan nghênh Mỹ đã thể hiện quan điểm trong giải quyết các vấn đề liên quan biển Đông thông qua giải pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Về vấn đề biển Đông, cựu Tổng thống Bill Clinton cho rằng, các nước liên quan đều phải tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết thông qua đối thoại và có sự tham gia của tất cả các bên, không nên có những hành động đơn phương. Về TPP, ông Clinton bày tỏ mong muốn đàm phán sớm thành công, vì điều này có lợi cho cả hai bên. Ông Clinton cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ trẻ em Việt Nam thông qua Quỹ Clinton và sẵn sàng mở rộng sang các lĩnh vực phát triển khác như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường…

Quan hệ thiết thực

Phát biểu lễ kỷ niệm 239 năm ngày quốc khánh Mỹ và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức tối qua, ông Bill Clinton nói rằng, việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam có cả lý do cá nhân và lý do chính trị, giúp hai bên hàn gắn vết thương chiến tranh, tạo nên mối quan hệ thiết thực.

Ông  Clinton ôn lại thời điểm cách đây 20 năm khi hai nước cựu thù bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao sau hàng thập kỷ quan hệ băng giá. “Khi đó, chúng tôi đều thấy đó là việc cực kỳ khó khăn. Bất cứ người Mỹ nào cũng quen biết một ai đó bị thương hoặc bỏ mạng trong cuộc chiến ở Việt Nam. Nhưng hai nước chúng ta đã vượt qua quá khứ để nối lại nhịp cầu hữu nghị”, ông Clinton nói. Theo ông, khi hiểu nhau, hai bên có thể giải phóng chính mình.

Theo ông Clinton, Việt Nam và Mỹ đã tiến bước một chặng đường dài sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, nhất là trong lĩnh vực thương mại, giáo dục… Ông Clinton bày tỏ vui mừng khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đẩy nhanh việc đàm phán ký kết TPP, mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới tương lai hữu nghị, hòa bình, thịnh vượng. “Thay vì trả đũa và đối đầu, chúng ta hãy mở rộng vòng tay chào đón, hợp tác cùng nhau”, ông nói.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ vui mừng nhận thấy trong 20 năm qua, với nỗ lực chung của Chính phủ và nhân dân hai nước, với tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, quan hệ Việt - Mỹ đã tiến những bước hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Phó Thủ tướng khẳng định, quan hệ Việt-Mỹ còn nhiều tiềm năng để phát triển lên tầm cao hơn nữa.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton kể lại câu chuyện khi ông đến khu thực địa ở Việt Nam vào năm 2000, nơi hai bên đang tìm hài cốt của một phi công Mỹ tử nạn ở Việt Nam. Còn rất nhỏ khi cha thiệt mạng ở chiến trường Việt Nam, nhưng con gái của viên phi công đã vô cùng xúc động khi thấy nhiều người Việt Nam dầm mình dưới bùn, không quản khó nhọc, bẩn thỉu, cùng bới một mảnh đất để tìm những mảnh xương nhỏ của một quân nhân. Ông Clinton cũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam hợp tác với Mỹ để tìm hài cốt của lính Mỹ, tẩy những chất độc còn sót lại ở Việt Nam...

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.