Đặc phái viên LHQ đề xuất kế hoạch ‘giải cứu’ Syria

Đặc phái viên LHQ đề xuất kế hoạch ‘giải cứu’ Syria
TPO – Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả Rập Kofi Annan sẽ đề xuất thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Syria nhân hội nghị về Syria diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày mai, 30-6.

> Các cường quốc sẽ thảo luận vấn đề Syria tại Geneva

Nga - Mỹ vẫn
Nga - Mỹ vẫn "nhìn về hai hướng" trong vấn đề Syria.

Sáng kiến của ông Kofi Annan sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc thảo luận tại hội nghị quốc tế về Syria với sự tham gia của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các nước Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Kuwait, lãnh đạo Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Ả Rập và Liên minh châu Âu.

Trước khi công bố sáng kiến của mình, ông Kofi Annan đã thảo luận kế hoạch quá độ chính trị ở Syria với các quốc gia chủ chốt. Đặc biệt, ông đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thảo luận vấn đề trên.

Interfax, Nga dẫn nguồn tin tại Liên Hiệp Quốc cho biết, sáng kiến này nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên chủ chốt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Nga.

Theo đó, thành phần chính phủ đoàn kết dân tộc ở Syria theo đề xuất của Kofi Annan có thể bao gồm các thành viên của nội các hiện tại, đại diện phe đối lập và những người khác.

Nhận định về sáng kiến của ông Kofi Annan, phân tích gia Vladimir Isayev tại Viện Đông phương học Nga, cho rằng, thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tại Syria là hành động cần thiết nhằm giúp nước này thoát khỏi tình trạng nội chiến, nhưng cần phải sớm minh bạch và thống nhất thành phần tham gia chính phủ này, nhất là đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của tất cả các phe phái.

“Tổng thống Bashar al-Assad - người dường như sẽ vắng bóng trong chính phủ này, sẽ không chịu đồng ý với đề xuất mới. Ngay cả nội các của ông hiện nay cũng vậy. Thứ hai, ai sẽ tham gia chính phủ mới từ phe đối lập? Nguyên nhân bởi sự tồn tại của cái gọi là phe đối lập không khoan nhượng - những người đang tiếp tục thực hiện hành vi khủng bố ở Syria. Liệu nhân dân Syria có muốn nhìn thấy đại diện của nhóm này trong ban lãnh đạo đất nước? Thiết nghĩ, phe đối lập không khoan nhượng cũng chẳng chịu ngồi kề những người ủng hộ ông Assad và ngược lại”, Đài tiếng nói nước Nga ngày 28-6 trích dẫn phân tích của Vladimir Isayev.

Thực tế cho thấy, ngay khi dự thảo kế hoạch của ông Kofi Annan rò rỉ ra bên ngoài, đã có không ít ý kiến bày tỏ quan ngại về tính khả thi của kế hoạch do ông dự kiến đưa ra tại Geneva.

Phía các quốc gia đồng minh với Syria bóng gió đề xuất gạch tên khỏi chính phủ mới một số thủ lĩnh phe đối lập, thân phương Tây, khi cho rằng kế hoạch của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc nên loại trừ những nhân vật mà sự hiện diện sẽ làm phức tạp quá trình chuyển giao quyền lực hoặc gây tổn hại cho tiến trình hòa giải.

Trong khi đó, một số quốc gia phương Tây cho biết sẽ thẳng thắn đề nghị loại trừ ông Bashar Al-Assad, Tổng thống hiện tại của Syria, khỏi ban lãnh đạo đất nước một khi kế hoạch của ông Kofi Annan được đưa ra tại Geneva.

Từ Washington, giới chức Mỹ gửi thông điệp tới Nga, Trung Quốc, mong muốn Moscow và Bắc Kinh đồng thuận với kế hoạch do Đặc phái viên Kofi Annan vạch ra, dự trù quá trình chuyển đổi quyền lực chính trị trong đất nước Syria. Trong đó, Mỹ coi sự đồng thuận của Nga với phương án Tổng thống Bashar Assad từ chức như là thành công của hội nghị sắp tới là “Mục tiêu của chúng tôi” như phát biểu của bà Victoria Nuland trước báo giới ngày 28-6.

Cùng ngày, đại diện của các nhóm đối lập chống chính quyền Damascus cũng tuyên bố, sẽ không chấp nhận kế hoạch của Đặc phái viên Kofi Annan nếu Tổng thống Bashar al-Assad vẫn còn tại vị.

Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng quốc gia Syria, ông Samir Nasar, đã thông báo về điều này trong cuộc họp báo hôm 28-6 tại Syria. Theo ông Samir Nasar, những đề nghị của ông Annan cho đến nay đối với phe đối lập là chưa rõ ràng, nhưng nếu trong đó không có một điều khoản ghi rõ rằng ông Assad phải rời bỏ vị trí của mình, thì kế hoạch của ông Kofi Annan là không thể chấp nhận được.

Theo Viết
MỚI - NÓNG