Dân châu Âu bi quan về tương lai

Dân châu Âu bi quan về tương lai
Sau hàng loạt quốc gia châu Âu, đến lượt Ý công bố kế hoạch thắt lưng buộc bụng trị giá 24 tỉ euro (gần 30 tỉ USD) để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công đã nhấn chìm Hi Lạp và đe dọa các nước khu vực. Dân châu Âu đã bắt đầu nhìn tương lai với sự bi quan và cay đắng.
 
Dân châu Âu bi quan về tương lai ảnh 1

Người dân châu Âu phản ứng lại các biện pháp tiết kiệm ngặt nghèo bằng sự giận dữ.

Giận dữ

Tại Hi Lạp, các cuộc đình công, biểu tình liên tiếp nổ ra. Ở Pháp, các công đoàn sẽ tổ chức một ngày đình công và biểu tình hôm nay 27-5 để bảo vệ mức lương và độ tuổi hưu (60 đối với nam). Các công đoàn ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng thề sẽ tổ chức đình công và biểu tình.

Tại Ý, ông Guglielmo Epifani, lãnh đạo công đoàn lớn nhất trong nước - CGIL, mô tả quyết định của chính quyền Rome là “bất công”, bởi “giới công nhân sẽ phải hi sinh nhiều nhất”. CGIL không loại trừ khả năng tổ chức đình công. Nhật báo tài chính lớn nhất nước Ý Il Sole 24 Ore cảnh báo: “Nếu kinh tế Ý và châu Âu không tăng trưởng, chúng ta có thể sẽ ổn định tài chính công một chút, nhưng sẽ đẩy thế hệ tương lai vào hoang mạc trong 15 năm”.

Trong nhiều thập niên qua, người châu Âu được thụ hưởng một chế độ phúc lợi xã hội cực kỳ hào phóng, với y tế giá rẻ, tiền hưu trí cao, tuổi hưu sớm, nghỉ phép kéo dài... Do đó, dù nhiều người khẳng định họ thấu hiểu sự bất ổn của hệ thống hiện tại, nhưng cảm giác chung vẫn là sự giận dữ và bi quan.

Ở Athens (Hi Lạp), Aris Iordanidis - sinh viên kinh tế mới ra trường, giờ đang làm việc trong một hiệu sách - tỏ ra tức giận với việc phải đóng thuế cao để nuôi bộ máy công chức cồng kềnh. “Họ ngồi đó suốt ngày, uống cà phê, nói chuyện phiếm qua điện thoại và về hưu ở tuổi 50 với mức lương hưu béo bở. Còn chúng tôi có lẽ sẽ phải làm việc đến năm 70 tuổi nếu tình hình này cứ tiếp tục”.

Một tương lai mất mát

Ở Rome (Ý), ông Aldo Cimaglia, 52 tuổi, giáo viên môn nhiếp ảnh, tỏ ra vô cùng lo lắng với lương hưu của mình. “Chắc tôi chẳng có bao nhiêu lương hưu vì giờ các quỹ hưu trí cạn kiệt cả rồi - ông bần thần - Mà có riêng gì tôi đâu, cả đất nước này không có tương lai”.

Ở Paris (Pháp), luật sư Laurent Cohen-Tanugi khẳng định những ngày tháng vui vẻ không chỉ đã trôi qua đối với Hi Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha mà cả Pháp nữa, dù tình hình tài chính Pháp có khấm khá hơn. “Chúng tôi không thể nuôi nổi mô hình nhà nước xã hội như trước nữa” - ông Cohen-Tanugi khẳng định.

Cũng ở Paris, bà Dominique Alcan, 49 tuổi, lo ngại bà sẽ phải tiếp tục công việc nhân viên bán hàng của mình trong một thời gian rất dài. “Nhưng sẽ chẳng thể nào kiếm được nhiều tiền và sống thoải mái như trước - bà Alcan thở dài - Mà tôi cũng không thể làm việc đến năm 63 tuổi, vì nghề nhân viên bán hàng đòi hỏi rất nhiều sức lực”. Ngay cả giới trẻ chưa phải đi làm kiếm tiền cũng tỏ ra lo lắng cho tương lai u ám.

“Điều duy nhất người ta nói với chúng tôi là chúng tôi sẽ phải làm việc cực nhọc để trả nợ cho thế hệ cũ - Gustave Brun d’Arre, 18 tuổi, đang học lớp 12 ở Paris, lo ngại - Chúng tôi sẽ phải làm việc vất vả hơn, lâu hơn”.

Ở Đức, Hãng nghiên cứu GfK cho biết cuộc khủng hoảng đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đức trên bảng xếp hạng của GfK đã giảm xuống còn 3,5 điểm so với mức 3,7 điểm hồi đầu tháng 5.

GfK cho biết người dân Đức, vốn có thói quen tiết kiệm, lo ngại tiền tiết kiệm của họ sẽ trở nên vô giá trị nếu đồng euro sụt giá mạnh hoặc lạm phát tăng. Người Đức cũng lo sợ nền kinh tế sẽ không thể phục hồi một cách mạnh mẽ, và nỗ lực cắt giảm chi tiêu công của chính phủ sẽ ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân của họ.

Dù các biện pháp cắt giảm ngân sách đã giúp giảm nguy cơ vỡ nợ của các quốc gia châu Âu, nhưng các nhà kinh tế và giới đầu tư lo ngại chừng đó là chưa đủ để cải tổ hệ thống quan liêu cồng kềnh và các quy định lao động xơ cứng của châu Âu.

Họ cũng lo ngại châu Âu khó có thể giải quyết được tình trạng mất cân bằng thương mại giữa các nền kinh tế lớn khu vực như Đức với các nền kinh tế nhỏ. “Số phận của châu Âu là sẽ phải trải qua một thập kỷ mất mát như Nhật trước đây” - nhà phân tích Diana Choyleva của Hãng Lombard Street Research bi quan dự báo.

Theo Hiếu Trung
Tuổi Trẻ
MỚI - NÓNG