Dân chủ lai ghép

Dân chủ lai ghép
TP - Thay mặt chính phủ lâm thời do quân đội dẫn dắt, lực lượng an ninh Ai Cập mấy ngày qua mạnh tay trấn áp đám đông biểu tình, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

> Ai Cập hoang tàn và tang tóc sau bạo động
> Mỹ bối rối vì tình hình hỗn loạn ở Ai Cập

Chính phủ bỏ qua lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế là hành động thận trọng, để rồi áp dụng chiến dịch “bàn tay sắt” với những người biểu tình ngồi.

Một số phần tử của tổ chức Anh em Hồi giáo “ăn miếng trả miếng” bằng các hành động bạo lực của chính họ như đốt phá tòa nhà chính phủ… Có thể nói, bạo lực đang cản trở sự hình thành chính phủ dân sự thật sự - chính phủ được bầu ra trong cuộc bầu cử tự do, công bằng, đúng với mục tiêu của cách mạng Ai Cập.

Là một phần của Mùa xuân Ả rập, cách mạng Ai Cập năm 2011 hướng tới mục tiêu tạo lập nền dân chủ dựa trên sự tin tưởng chính trị, khoan dung tôn giáo và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các lực lượng, phe nhóm ở Ai Cập vẫn chưa tin tưởng nhau thực sự để tạo được sự đồng thuận về các vấn đề dân chủ thiết yếu, như phân chia quyền lực rõ ràng, quyền của thiểu số…

Các đảng phái dựa trên Hồi giáo chưa thực lòng tôn trọng các nguyên tắc thế tục của nền dân chủ, trong khi chính phủ chưa hoàn toàn mở rộng cửa cho tự do biểu đạt quan điểm tôn giáo trong chính trị.

Các nhà hoạt động trẻ tuổi ủng hộ dân chủ chưa hoàn toàn đoàn kết trong thời kỳ hậu chuyên quyền, trong khi Anh em Hồi giáo áp dụng chính sách “thắng làm vua”, chặn quan điểm của phe thiểu số, đối lập chính trị, đặc biệt trong việc soạn hiến pháp và bổ nhiệm các chức vụ trong chính phủ.

Ai Cập đang bước tới nền dân chủ lai ghép, trong đó những nhà chuyên chế được dân bầu ra đã và đang cai trị bằng cách hạn chế đối thủ cũng như quyền của người dân.

Cuối cùng, quân đội phế truất Tổng thống Mohamed Morsi - người của Anh em Hồi giáo, với hy vọng đưa cách mạng Ai Cập trở lại đúng hướng. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời và Anh em Hồi giáo lại rơi vào vòng luẩn quẩn của xung đột lợi ích, chính trị Ai Cập lại phân cực mạnh, người dân lại chia rẽ sâu sắc, tình trạng “diễu hành phẫn nộ” lại xuất hiện, bạo lực lại bùng phát, đích đến của cách mạng dường như xa thêm…

Các nước có phong trào Mùa xuân Ả rập như Ai Cập, Syria, Libya, Tunisia… đang đối mặt tình trạng bất ổn khi chuyển từ chế độ chuyên quyền sang dân chủ. Dường như con đường đến với dân chủ của Ai Cập hiện nay vẫn loay hoay trong vòng xoáy bạo lực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG