Dân đảo nhỏ ở Thái Bình Dương phẫn nộ với sự hiện diện của người Trung Quốc

Dân Solomon nhảy điệu truyền thống. (Ảnh: CNN)
Dân Solomon nhảy điệu truyền thống. (Ảnh: CNN)
TPO - Có một chuyến bay đưa công dân từ Trung Quốc trở về quê nhà trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương, nơi chưa phát hiện ca mắc COVID-19 nào. 

Nhưng trong số 104 người trên chuyến bay thuê bao của hãng hàng không Solomon Airlines cất cánh từ thành phố Quảng Châu vào ngày 3/9, chỉ có 21 hành khách là công dân Solomon, còn lại là người Trung Quốc, đài phát thanh New Zealand dựa vào danh sách hành khách cho biết.

Trong mấy ngày trước khi chuyến bay đáp xuống thủ đô Honiara, các chính trị gia và tổ chức phi chính phủ ở địa phương thúc giục Thủ tướng Solomon hoãn lại.

 Dù Trung Quốc chỉ báo cáo vài trường hợp mắc COVID-19 mỗi ngày trong vài tháng qua, những người phản đối cho rằng rủi ro vẫn quá lớn. Biên giới của Solomon đã bị đóng cửa trong nhiều tháng. Họ lo rằng chuyến bay này có thể mang ca bệnh đầu tiên đến quốc đảo với gần 700.000 dân và hệ thống y tế nghèo nàn.

 Nhưng chính phủ không chấp nhận.

 Đối với ông Daniel Suidani, tỉnh trưởng của tỉnh đông dân nhất cả nước – Malaita, các nhà lãnh đạo đất nước đang ưu tiên quan hệ mới với Bắc Kinh hơn là người dân của mình. Năm ngoái, quần đảo Solomon đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan để làm bạn với Bắc Kinh. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và không có quan hệ ngoại giao với bất kỳ quốc gia nào không công nhận chính sách “Một Trung Quốc”.

 Hai ngày trước khi chuyến bay đáp xuống Honiara, ông Suidani thông báo sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc giành độc lập cho Malaita.

 “Chúng tôi tin rằng chính quyền đã trở nên quá nghe lời và mắc nợ Trung Quốc, đến mức không thể cung cấp những dịch vụ cơ bản để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, ông Suidani nói trong tuyên bố gửi tới CNN. “Đã đến lúc người dân Malaita nghĩ xem họ có còn muốn là một phần của đất nước nơi lãnh đạo trở nên độc tài nữa hay không”, ông Suidani nói.

 Dù Thủ tướng Manasseh Sogavare chào đón Trung Quốc và những lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh hứa hẹn, nhiều người dân ở đây sợ rằng Trung Quốc quá mạnh để có thể là một đối tác bình đẳng với Solomon. Quần đảo Solomon được nói là từng tính chuyện cho Trung Quốc thuê cả một hòn đảo và bàn việc cấp hộ chiếu đầu tư cho người Trung Quốc đại lục.

 Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon là “cởi mở và công bằng”.

 “Bất kỳ lời đồn đại và vu khống nào cũng không phản ánh được sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói. 

Dân đảo nhỏ ở Thái Bình Dương phẫn nộ với sự hiện diện của người Trung Quốc ảnh 1 Solomon nằm ở khu vực nam Thái Bình Dương, gần New Zealand và Úc

Ở thủ đô xanh tươi của Solomon, có một dải đất vẫn mang những vết sẹo của chiến trường Guadalcanal từ thời Thế chiến 2, nơi quân Đồng minh giành chiến thắng quyết định đầu tiên trên chiến trường Thái Bình Dương.

Giờ đây, một phần của dải đất đó đang được phát triển thành sân vận động mới do Trung Quốc tài trợ. Nó cũng trở thành biểu tượng của kiểu chiến trường mới.

 Sau khi quần đảo Solomon giành được quyền đăng cai Thế vận hội Thái Bình Dương năm 2023, sự kiện được ví như Olympics của khu vực, quốc gia này cần nơi để tổ chức các cuộc tranh tài. Tháng 9/2019, Đài Loan (Trung Quốc) - đồng minh của Solomon trong suốt 3 thập kỷ - đồng ý cho Solomon vay tiền.

 Vài tháng sau, Solomon cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang Bắc Kinh.

 Solomon công nhận Đài Loan từ năm 1983. Từ đó, Đài Bắc rót hàng triệu đô la vào quốc đảo này để phát triển các dự án như bệnh viện. Đài Loan cũng chi nhiều tiền cho các chính trị gia của quốc đảo.

 Solomon vẫn trung thành với Đài Loan khi Bắc Kinh tiến hành ngoại giao bằng tiền ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược này, khiến nhiều nước láng giềng của Solomon quay sang thân thiết với Trung Quốc.

 Nhưng đến năm 2019, sức hút từ tiền Trung Quốc trở nên quá lớn. Ông Jian Zhang, một chuyên gia về an ninh châu Á tại Học viện quốc phòng Úc, nói với CNN rằng những tính toán kinh tế là yếu tố chìa khóa trong thay đổi của Solomon. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong phát biểu của ông Sogavare sau thay đổi này: “Solomon sẽ nhận được lợi ích lớn chưa từng có trong lịch sử của quốc gia trẻ tuổi, trong quan hệ mới với Trung Quốc”.

 Sau thay đổi đó, đại diện Đài Loan tại Palau nói rằng Đài Bắc đã “tan nát cõi lòng”, đài phát thanh New Zealand đưa tin.

 Một tháng sau, Bắc Kinh hứa cung cấp cho Solomon 74 triệu đô la Úc để làm sân vận động. Đó không phải khoản vay, mà là món quà.

 Vài tháng sau, báo chí địa phương đưa tin rằng tiến độ xây sân vận động đang rất chậm. Solomon đóng cửa biên giới với người nước ngoài từ tháng 3, và từ đó mới có khoảng 800 công dân và vài người nước ngoài đang làm những công việc thiết yếu được nhập cảnh vào nước này.

 Vì thế, khi chính phủ cấp phép cho chuyến bay vào tháng 8 với hầu hết là công nhân Trung Quốc làm việc tại dự án sân vận động, một số người địa phương cho rằng chính phủ đang ưu tiên sân vận động hơn người dân. Ông Li Ming, đại sứ Trung Quốc đầu tiên tại quần đảo, cũng có mặt trên chuyến bay nói trên để đến nhận nhiệm vụ mới.

 Dù chính phủ Solomon nói rằng tất cả hành khách đều có kết quả xét nghiệm âm tính, nhiều người Solomon nói rằng họ thấy sốc khi chính phủ cho nhiều người Trung Quốc vào như vậy, trong khi biên giới vẫn đóng.

 Mấy ngày trước khi chuyến bay hạ cánh, một số người ở Malaita sợ rằng cộng đồng người Trung Quốc ở đây, chiếm chưa đến 1% trong tổng số 160.000 dân của hòn đảo, sẽ đến thủ đô để đón đại sứ mới, rồi trở về với virus corona, ông Foukona cho biết.

 Điều đó khiến nhóm vận động dân chủ M4D gửi đi một bức thư kêu gọi tất cả người Trung Quốc rời khỏi thủ phủ Auki của tỉnh trong vòng 24 giờ đồng hồ, báo chí địa phương đưa tin.

 Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng người Trung Quốc ở đây bị phản đối. Năm 2006, có mấy vụ bạo loạn xảy ra ở khu người Hoa tại thủ đô Honiara trước sự gia tăng hiện diện của người Hoa ở đây, dù các gia đình đó đã đến Solomon trước khi nước này giành được độc lập từ Anh năm 1978. Hồi đó, Bắc Kinh phải thuê một chuyến bay để sơ tán hàng trăm công dân của họ.

 Ngày nay, có nhiều công ty tư nhân và nhà nước Trung Quốc đang làm ăn ở Solomon, khiến một số người địa phương nghĩ rằng người Trung Quốc đang dần chiếm mất miền đất của họ.

 “Có một câu nói đùa là mọi người không cần than thở về sự suy tàn của khu người Hoa ở Honiara, điều đó không quan trọng vì toàn bộ Honiara giờ đều là phố của người Hoa”, Clive Moore, nhà nghiên cứu tại ĐH Queenstown, New Zealand, nói.

Theo theo CNN
MỚI - NÓNG