Đằng sau hành động Mỹ ném siêu bom GBU-43/B xuống Afghanistan

Một quả bom MOAB của Mỹ.
Một quả bom MOAB của Mỹ.
TPO - Việc Mỹ thả loại bom có sức công phá khủng khiếp mệnh danh “Mẹ của các loại bom” - GBU-43/B xuống Afghanistan diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Achin, miền đông Afghanistan được cho là nhằm mục đích củng cố cam kết của Mỹ với Afghanistan cũng như răn đe Syria và Triều Tiên, CNN nhận định.

Thư kí báo chí của Nhà Trắng, ông Sean Spicer cho biết, bom phi hạt nhân GBU-43/B (MOAB) nặng gần 10 tấn đã được thả xuống mục tiêu là hệ thống hầm ngầm của IS vào lúc 19h ngày 13/4. Đây cũng là lần đầu tiên “Mẹ của các loại bom” được sử dụng trong thực chiến.

MOAB là quả bom có kích thước lớn nhất trong kho vũ khí của quân đội Mỹ với chiều dài 9,17 m, đường kính của bom là 102,9 cm. MOAB được thiết kế để phát nổ khi cách mặt đất 1,8m nhằm tăng khả năng sát thương so với việc phát nổ khi chạm mặt đất.

MOAB được đánh giá có khả năng xuyên phá qua 61m bê tông chịu lực 5.000 psi. Bom cũng xuyên qua 7,9 mét bê tông chịu lực 10.000 psi hoặc 40 mét đá với độ rắn trung bình.

16 năm trước, Không quân Mỹ cũng thả bom “Daisy Cutter” nặng gần 7 tấn xuống Tora Bora, nơi ẩn náu của trùm khủng bố Osama bin Laden. Huyện Achin chỉ cách Tora Bora vài chục km.

Trong khi Daisy Cutter giết chết nhiều phiến quân của tổ chức khủng bố al Qaeda nhưng bin Laden cùng nhiều thủ lĩnh cấp cao khác vãn trốn thoát. Điều này như một lời nhắc nhở rằng rất ít chiến dịch quân sự giành chiến thắng nhờ không kích.

Theo CNN, có lẽ, hậu quả thứ phát của việc Mỹ ném “Mẹ của các loại bom” xuống Afghanistan là một tín hiệu tới Triều Tiên và Syria rằng Mỹ có thể triển khai các vũ khí này chống lại hệ thống boongke kiên cố của họ, nhưng một mấu chốt nữa là Mỹ vẫn rất coi trọng cuộc chiến ở Afghanistan.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét lại chiến lược về Afghanistan của Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia, theo các quan chức Mỹ và Afghanistan.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, trung tướng H.R. McMaster đang xem lại đánh giá Afghanistan tại Nhà Trắng và sẽ tới Afghanistan sớm xem xét tình hình.

Ông McMaster từng phụ trách đơn vị đặc nhiệm chống tham nhũng tại Afghanistan năm 2010 nên ông rất nhiểu rõ về tình hình chính trị tại đất nước này.

Trong phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hồi tháng 2, tướng John Mick Nicholson cho biết hiện Mỹ đang có 8.400 binh sỹ tại Afghanistan sau khi cựu Tổng thống Obama ra lệnh rút 1.400 quân. Ông Nicholson cũng cho rằng con số này là không đủ. “Chúng tôi thiếu vài nghìn cố vấn” để huấn luyện và hỗ trợ quân đội Afghanistan.

Chính quyền cựu Tổng thống Obama từng nhiều lần tuyên bố sẽ rút quân khỏi Afghanistan nhưng kế hoạch này liên tục bị trì hoãn bởi tình hình an ninh tại quốc gia Nam Á này vẫn đang rất bấp bênh.

Theo CNN, chính quyền Tổng thống mỹ nên công khai tuyên bố rằng Mỹ vẫn là đối tác chiến lược với Afghanistan cho tới năm 2024 mà ông Obama từng hứa hẹn sẽ vẫn duy trì một đội “cố vấn và huấn luyện” tại Afghanistan cho đến khi khủng bố được quét sạch.

Người Afghanistan không quan tâm Mỹ có 8.400 quân hay 20.000 quân tại nước này mà họ mong muốn Mỹ sẽ không bỏ rơi họ. Do đó, tuyên bố công khai về cam kết lâu dài với Afghanistan sẽ củng cố thêm cam kết của NATO và các nước đồng, điều này cũng sẽ làm suy yếu các lực lượng khủng bố tại nước này.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG