Đằng sau sự kiện Mỹ đánh chặn vệ tinh do thám

Đằng sau sự kiện Mỹ đánh chặn vệ tinh do thám
TP - Ngày 21/2/2008, Mỹ sử dụng tên lửa đánh chặn SM-3 phóng từ chiến hạm ở Thái Bình Dương để tiêu diệt một vệ tinh do thám mang bí số USA-193/NROL21, cũng của Mỹ, được loan tin là “đã hết hạn sử dụng”.
Đằng sau sự kiện Mỹ đánh chặn vệ tinh do thám ảnh 1

Trong vòng hai ngày, phần lớn các mảnh vỡ của vệ tinh bị đánh chặn bốc cháy trong các tầng khí quyển phía trên, tạo ra một đám rác bụi khổng lồ rơi xuống Trái Đất trong vòng 40 ngày sắp tới.

Để che đậy mục tiêu đích thực của vụ thử nghiệm này, phía Mỹ đưa tin vụ đánh chặn này nhằm tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh quyển.

Theo tin từ phía Mỹ, trong khoang hình cầu của vệ tinh chứa 543 lít nhiên liệu hydrazin. Khi bốc cháy, khói tỏa ra từ nhiên liệu hydrazin nguy hiểm đối với con người.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia bảo vệ môi trường, trong điều kiện vũ trụ mọi chuyện sẽ khác đi. Hàng năm, các tầng của tên lửa vũ trụ mang theo nhiều tấn nhiên liệu độc hại vẫn rơi xuống Trái Đất nhưng không gây ô nhiễm sinh thái. Khi bay vào khí quyển với tốc độ cao, nhiên liệu bốc cháy không để lại hậu quả độc hại đối với con người.

Hàng năm có tới 200 khí tài vũ trụ bị bốc cháy, trong đó có những khí tài có kích thước lớn hơn chiếc ô tô. Vì thế, ngay cả dư luận xã hội Mỹ cũng không tin vào thông báo báo chí của Lầu Năm Góc về ý định phóng tên lửa đánh chặn tiêu diệt vệ tinh USA-193/NROL21 để “bảo vệ môi trường”.

Theo đánh giá của Phó chủ tịch đề án an ninh chiến lược của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, Mỹ dùng tên lửa đánh chặn để tiêu diệt vệ tinh do thám chỉ là cái cớ để Mỹ phát triển vũ khí chống vệ tinh.

Tên lửa ba tầng SM-3 của hãng Boeing mà Mỹ vừa phóng lên để đánh chặn vệ tinh USA-193/NROL21 là cơ sở để Mỹ chế tạo tên lửa đánh chặn. Đây chính là những tên lửa mà Mỹ sẽ được bố trí tại căn cứ phòng thủ tên lửa ở Ba Lan.

Hai tầng hành trình của tên lửa gồm các khối động cơ tăng tốc để tạo tốc độ cao cho tên lửa đánh chặn. Chính vì thế, tên lửa SM-3 mới có thể đánh chặn vệ tinh ở độ cao 247 km sau khi rời bệ phóng chưa tới 3 phút.

Tầng thứ ba của tên lửa SM-3 là tầng gia tốc. Đầu đạn chiến đấu của tên lửa này là đầu đạn động năng, được lắp động cơ riêng để tiếp cận với mục tiêu và tiêu diệt chúng. Toàn bộ quá trình đánh chặn được điều khiển tự động bằng hệ thống cảm biến hồng ngoại có độ nhạy cảm cao.

Hiện nay, Mỹ đã có hệ thống điều khiển tên lửa đánh chặn “Aegis Mk7” lắp trên 100 tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh và Nauy để điều khiển tên lửa tiêu diệt máy bay, tàu chiến, tên lửa đường đạn v.v.

Lầu Năm Góc đang cải tiến tên lửa hệ thống này để điều khiển tên lửa đánh chặn SM-3. Hệ thống “Aegis Mk7” là một thành phần bố trí trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ.

Năm 2007, Mỹ đã từng thử nghiệm thành công hệ thống này để tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 150 km. Giờ đây, Mỹ đang thử nghiệm mô hình tên lửa đánh chặn nhằm vào các mục tiêu ở độ cao từ 200 km-1000 km cách bề mặt Trái Đất, trong đó vừa thử tên lửa mang cũng như đầu đạn tự dẫn.

Sắp tới đây, Mỹ sẽ bố trí vũ khí chống vệ tinh trong vũ trụ để thường trực chiến đấu, trước hết nhằm vào các khu vực có bố trí tên lửa chiến lược của Nga. Với kế hoạch này, Mỹ nhằm mục đích vô hiệu hóa tên lửa đường đạn xuyên lục địa của Nga.

Đứng trước các hành động của Mỹ, Nga và Trung Quốc đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc đối với cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh của Mỹ vừa qua. Trung Quốc yêu cầu Mỹ thông báo đầy đủ về vụ thử nghiệm tiêu diệt vệ tinh hôm 21/2/2008 để tất cả các nước có thể sử dụng các biện pháp đề phòng.

Tháng 1/2007, Trung Quốc cũng đã từng thử nghiệm đánh chặn vệ tinh khí tượng của họ đã hết hạn sử dụng ở độ cao 800 km. Đám rác bụi tỏa ra sau vụ đó đến nay vẫn bay lơ lửng trong khoảng không vũ trụ và đe dọa các khí tài vũ trụ khác.

Hồi đó, phía Mỹ đã gọi cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc là “hành động gây rối trên vũ trụ” và lên án hành động đó của Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc và Nga đang phối hợp để soạn thảo Hiệp ước cấm bố trí vũ khí trong vũ trụ để đưa ra thảo luận ở Liên Hợp Quốc nhưng đã  bị Mỹ phản đối. 

Lê Minh Quang
Theo “Bình luận quân sự độc lập”

MỚI - NÓNG