Đằng sau việc Nga phóng thử 2 loại “siêu tên lửa”

Đằng sau việc Nga phóng thử 2 loại “siêu tên lửa”
TP - Ngày 29/5/2007, Moscow phóng thử thành công hai loại tên lửa kiểu mới - PC-24 và P-500, được đánh giá là dấu hiệu phục hồi vị thế siêu cường quân sự Nga trong bàn cờ quân sự-chính trị quốc tế.
Đằng sau việc Nga phóng thử 2 loại “siêu tên lửa” ảnh 1
Nga phóng thử tên lửa đạn đạo

Trước đó, Nga cho hạ thuỷ thành công chiếc tàu ngầm hạt nhân mang bí số “Đề án 955” được lắp tên lửa xuyên lục địa và triển khai hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới C-400.

Tên lửa chiến lược vượt đại châu PC-24 mang nhiều đầu đạn có thể tự động đến các mục tiêu cách xa nhau tới hàng trăm km.

Theo một số nguồn tin, tên lửa này được chế tạo trên cơ sở tên lửa đạn đạo vượt đại châu “Topol-M”, lắp thêm động cơ phóng tăng tốc sau khi rời bệ phóng và hệ thống điều khiển tách đầu đạn kiểu mới để vượt qua hệ thống phòng không của đối phương mà Nga đã từng thử nghiệm thành công cách đây vài năm. PC-24 có tầm xa 12.000 km, có thể mang được từ 6-10 đầu đạn “con” có sức công phá tương đương 150-300 KT (1KT tương đương 1.000 tấn thuốc nổ thông thường TNT).

Các chuyên gia cho rằng tên lửa PC-24 có tính năng vượt trội so với tên lửa đạn đạo chiến lược SS-18 và PC-20 thế hệ trước, thời gian bay trong giai đoạn tăng tốc sau khi rời bệ phóng được rút ngắn đáng kể hạn chế khả năng đánh chặn của đối phương.

Với kích thước gọn nhẹ, tên lửa mới có thể được bố trí trong hầm phóng cố định, trên các tổ hợp phóng cơ động bằng xe bánh xích hoặc trên các toa tàu. Dự kiến, Nga sẽ đưa tên lửa PC-24 vào trang bị trong những năm 2011-2013.

Trong 10-12 năm tiếp theo, với tốc độ chế tạo 10-12 tên lửa/năm, tên lửa PC-24 sẽ thay thế những tên lửa PC-20 và SS-18 hiện có (sẽ hết hạn sử dụng trong những năm 2017-2020).

Chưa hết, theo một số nguồn tin, đến năm 2015, Nga sẽ có một kiểu tên lửa hoàn toàn mới, với tính năng độc nhất vô nhị, không có đối thủ. 

Với tổ hợp tên lửa chiến dịch - chiến thuật cơ động kiểu mới P-500, Nga có khả năng nhanh chóng tiêu diệt các mục tiêu kiên cố, được bảo vệ nghiêm ngặt xung quanh biên giới Nga, trong đó có các căn cứ thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa NMD mà Mỹ đang có ý định bố trí trên lãnh thổ các nước có đường biên giáp với Nga.

Theo tuyên bố của Phó thủ tướng Nga Xergay Ivanov, trước mắt Nga sẽ trang bị P-500 cho tổ hợp tên lửa “Iskander”. Nhưng trong tương lai, Nga sẽ đưa vào trang bị tên lửa hành trình có tầm xa hơn, vượt qua giới hạn 2.000 km, để bù đắp cho những tên lửa hành trình chiến lược-chiến dịch phóng từ mặt đất và từ biển của Nga đã bị cắt giảm theo Hiệp ước huỷ bỏ tên lửa tầm trung ký với Mỹ năm 1987.

Ngay lập tức, nhiều tờ báo lớn ở phương Tây như “The Times”, “The New York Times”, “The Financial Times”, “The Independent” và “The International Herald Tribune” đăng bài bình luận trên trang nhất về sự kiện này.

Đa số các bài đánh giá sự kiện Nga phóng thử thành công tên lửa đường đạn vượt đại châu kiểu mới là tín hiệu phục hồi “chiến tranh lạnh”.

Tờ “The Telegraph” còn nhận xét rằng, các cuộc thử nghiệm được thực hiện trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang nguội đi trông thấy đồng thời Nga quyết định tăng chi phí quân sự gấp 4 lần so với năm 2000.

Đáp lại, Phó Thủ tướng Nga Xergay Ivanov tuyên bố, sở dĩ Nga phải chế tạo các hệ thống tên lửa mới là vì Hiệp ước huỷ bỏ tên lửa đường đạn tầm trung và Hiệp ước hạn chế các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu ký kết giữa Liên Xô trước đây với Mỹ và các nước đã không còn hiệu lực.

Trong khi Nga thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của các hiệp ước đó, thì NATO đã kết nạp thêm hàng loạt các nước Đông Âu và Ban Tích, giúp họ xây dựng quân đội theo tiêu chuẩn NATO, còn Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng chống tên lửa và triển khai các căn cứ tên lửa đánh chặn sát biên giới Nga, làm cho cán cân lực lượng chiến lược nghiêng hẳn về phương Tây.

Như vậy, hành động của Nga chỉ nhằm hướng tới tạo thế cân bằng chiến lược với Mỹ và NATO.  

MỚI - NÓNG