Đằng sau việc Qatar bị hàng loạt quốc gia cắt đứt quan hệ

Đằng sau việc Qatar bị hàng loạt quốc gia cắt đứt quan hệ
TPO - Giới chuyên gia cho rằng còn có một sự thật khác đằng sau việc Qatar bị hàng loạt nước tố cáo hỗ trợ khủng bố.

Trong vòng 24 giờ qua, Ả-rập Xê-út, UAE, Bahrain, Ai Cập, Maldives và Yemen đều cắt đứt quan hệ với Qatar. Nước này cũng bị loại khỏi liên minh do Ả-rập Xê-út đứng đầu trong cuộc chiến chống lại lực lượng phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Các hãng hàng không Emirates, Etihad và FlyDubai đều thông báo ngừng bay đến Doha.

Trách nhiệm của Tổng thống Trump

Vai trò của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong căng thẳng ở vùng Vịnh dường như chưa rõ ràng nhưng tầm nhìn của ông về một thế giới Ả-rập do Ả-rập Xê-út đứng đầu để chống lại Iran được cho là nguyên nhân gây ra đợt căng thẳng ngoại giao lần này.

Cách đây 2 tuần, Tiểu vương Quatar Tamim bin Hamad Al Thani đã chỉ trích chính sách Iran của ông Donald Trump và gọi Iran là một “cường quốc Hồi giáo ở khu vực”.

Phát biểu này được đưa lên mạng, nhưng Doha sau đó nói rằng trang chính thức của hãng thông tấn nước này bị tin tặc tấn công và câu trích dẫn trên không có thật. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết đang hỗ trợ điều tra vụ việc.

Đáp lại, Hãng thông tấn Ả-rập tuyên bố: “Qatar hỗ trợ nhiều nhóm giáo phái và khủng bố nhằm gây bất ổn ở khu vực, trong đó có nhóm Anh em Hồi giáo, IS và Al Qaeda” cũng như “các nhóm phiến quân” ở Yemen.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng còn có một sự thật khác. Chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Iran, việc ông đưa nước Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, việc từ chối tái khẳng định Điều 5 của NATO và tuyên bố của chính quyền Mỹ rằng “thế giới không phải một "cộng đồng toàn cầu" mà là một đấu trường nơi các quốc gia, các nhân tố phi chính phủ và các doanh nghiệp tham gia và cạnh tranh vì lợi thế” chính là sự tuyên bố rằng rằng kỷ nguyên thương lượng đã qua và kỷ nguyên đối đầu và va chạm đã bắt đầu.

Qatar và những mối quan hệ phức tạp

Nếu những cuộc đàm phán giữa Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (một liên minh được lập ra để chống lại ảnh hưởng của Iran ở khu vực) và Iran sắp diễn ra, sẽ hợp lý nếu để Qatar là một nước bán trung lập.

Nếu có những cuộc đối thoại giữa Hamas và Israel, giữa Ai Cập và Anh em Hồi giáo, hay giữa Mỹ và Taliban, sẽ hợp lý nếu để Qatar kiểu như một nơi trú ẩn an toàn.

Và Qatar được đặt vào vị trí duy nhất để đóng vai trò trong quá trình đàm phán. Qatar đã tạo thương hiệu cá nhân như một nước không phán xét, nếu không nói là trung lập, và hành động như một người trung gian giữa các nhân tố cạnh tranh ở khu vực.

Qatar được cho là có quan hệ tốt với Hamas, cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các thủ lĩnh cấp cao của Hamas ở Doha; ít nhất là cho đến cuối tuần qua khi “các nhà ngoại giao” của họ bị yêu cầu rời đi.

Qatar cũng có quan hệ kinh tế gần gũi vói Iran, cùng chia sẻ quyền kiểm soát đối với mỏ khí tự nhiên rộng lớn có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Qatar.

Vì thế, đó là nguyên nhân Qatar không chỉ trích các chính sách của Iran dù Qatar là thành viên của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, theo CNN.

Qatar cũng được cho là nơi đặt văn phòng chính trị của lực lượng Taliban. Taliban chọn Qatar vì nước này được đánh giá là nơi trung lập, còn Mỹ không phản đối sự hiện diện này.

Dù có quan hệ gần với các nhóm bị Mỹ và các đồng minh coi là khủng bố, Qatar cũng là nơi đóng quân của 11.000 lính Mỹ tại căn cứ không quân Al Udeid – căn cứu quân sự lớn nhất ở khu vực.

Qatar còn có quán hệ tốt với Israel hơn hầu hết các quốc gia ở khu vực. Qatar từng tài trợ cho dự án xây dựng sân vận động ở Israel.

Qatar đã thiết lập quan hệ thương mại với Israel từ năm 1996, nhưng sau đó cắt đứt vào năm 2009. Ngoại trưởng Israel Tzipi Livni gần đây đã gặp Tiểu vương Qatar, và Qatar đã lặng lẽ cho phép các đại diện của Israel hoạt động trên đất của mình.

Nói ngắn gọn, Qatar được đánh giá là có hàng loạt quan hệ phức tạp với gần như tất cả các lực lượng ở khu vực.

"Thuỵ Sĩ" ở Trung Đông

Có hai lý do chính khiến Qatar đóng vai trò như Thụy Sĩ ở Trung Đông.

Thứ nhất, Qatar chỉ là một quốc gia nhỏ với 2,2 triệu dân, nên việc họ không “gây thù chuốc oán” với bất kỳ cường quốc khu vực nào như Iran, Israel hay Ả-rập Xê-út cũng là điều hợp lý.

Việc họ để các nhóm vũ trang bị Mỹ và các đồng minh coi là khủng bố đặt văn phòng ở thủ đô Doha cũng là cách tránh trở thành mục tiêu tấn công của những nhóm này.

Nguyên nhân thứ hai là Qatar có khả năng đóng vai trò trung gian và là trung tâm trong các cuộc tranh giành quyền lực ở khu vực, để từ đó Qatar tham gia vào các vấn đề chính trị khu vực và quốc tế.

Đây không phải điều mới được tiết lộ và hầu như tất cả các bên đều đã hiểu. Và những căng thẳng ngoại giao trong 24 giờ qua là biến động ngoại giao chưa từng có tiền lệ.

Nhưng nếu có một sự dịch chuyển theo hướng đối đầu, Qatar sẽ bị các nước láng giềng gây sức ép để tham gia vào liên minh chống lại các kẻ thù của Ả-rập Xê-út. Qatar chung đường biên giới trên bộ chỉ với Ả-rập Xê-út và họ nhập khẩu 40% lương thực từ Ả-rập Xê-út. Giá các loại hàng tiêu dùng ở Qatar sẽ sớm tăng chóng mặt sau sự cố ngoại giao lần này.

Giới quan sát cho rằng cách duy nhất để Qatar cưỡng lại sức ép kinh tế và ngoại giao từ Ả-rập Xê-út sẽ là việc Mỹ can thiệp để thuyết phục các đồng minh của Ả-rập Xê-út.

Nhưng không may là “thế giới của ông Trump” thường liên quan đến tiền. Qatar cũng là nước giàu có, nhưng Ả-rập Xê-út còn giàu hơn nhiều.

MỚI - NÓNG