Pakistan:

Đằng sau việc Tổng thống Musharraf từ chức

Đằng sau việc Tổng thống Musharraf từ chức
TP - Ngày 18/8, trong bản tuyên bố được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Musharraf nói rằng ông quyết định từ chức là để tránh cho nhân dân Pakistan phải chứng kiến một cuộc luận tội nguy hiểm.

Tổng thống Musharraf cho biết trong thời gian 8 năm cầm quyền của mình ông hài lòng vì tất cả những điều ông đã làm “đều vì dân vì nước”.

Tổng thống Musharraf bày tỏ hy vọng quốc dân sẽ tha thứ cho những lỗi lầm của ông. Tổng thống Musharraf cảnh báo Pakistan đang đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn, trong đó có vấn đề nền kinh tế đang suy thoái.

Ông bác bỏ những lời buộc tội từ phía các đối thủ chính trị của mình về việc đã gây ra nhiều khó khăn cho kinh tế Pakistan. Tổng thống Musharraf khẳng định rằng chính ông đã đề nghị Chính phủ phải có biện pháp làm ngừng sự trượt dốc của nền kinh tế đồng thời đưa Pakistan thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Musharraf nói rằng ngay trong ngày ông sẽ nộp đơn từ chức cho Chủ tịch Quốc hội Pakistan.

Theo Hiến pháp Pakistan, khi Tổng thống từ chức giữa nhiệm kỳ và trong khi chưa tìm được tổng thống mới thì Chủ tịch Thượng viện đương nhiệm sẽ đảm nhận chức quyền Tổng thống. Hiện chưa rõ sau khi từ chức, ông Musharraf sẽ ở lại Pakistan hay đi sống lưu vong ở nước ngoài.

Dư luận ở Pakistan cho rằng việc Tổng thống Musharraf từ chức là để tránh bị truy tố trước pháp luật đối với các việc làm vi phạm Hiến pháp của ông trong thời gian cầm quyền.

Tuần qua, phe đối lập ra tối hậu thư nếu ông Musharraf không từ chức sẽ bị đưa ra luận tội trước Quốc hội mà trong cuộc luận tội đó ông Musharraf cầm chắc thất bại.

Nếu bị luận tội mà Đại bồi thẩm đoàn của Quốc hội Pakistan chứng minh được việc Musharraf vi phạm  tội phản quốc trong thời gian cầm quyền, ông sẽ khó tránh khỏi việc bị truy tố. Hình phạt nặng nhất cho tội danh này là tử hình.

Đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho biết việc Tổng thống Musharraf từ chức sẽ mở đường cho việc các nhà lãnh đạo của phe cầm quyền thảo luận có truy tố ông hay không.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Sherry Rehaman nói rằng dù ông Musharraf có bị truy tố hay không thì việc ông này từ chức cũng đã là một thắng lợi của các lực lượng dân chủ. Bộ trưởng Thông tin Rehaman nói: “Kể từ hôm nay cái bóng của một nhà độc tài từng ngự trị một thời gian dài ở Pakistan không còn nữa”.

Từ người lính trở thành tổng thống

Ông Pervez Musharraf sinh ngày 11/8/1943 tại New Delhi, Ấn Độ. Năm 1947 Ấn Độ giành được độc lập từ thực dân Anh, chia nước này thành hai quốc gia gồm Ấn Độ và Pakistan, gia đình ông Musharraf rời thủ đô Delhi của Ấn Độ để sang sống tại thành phố Karachi của Pakistan.

Ông Musharraf trưởng thành từ một người lính chuyên nghiệp. Ông Pervez Musharraf vốn là một tướng quân đội Pakistan, lên cầm quyền từ năm 1999 trong một cuộc đảo chính quân sự lật đổ Chính quyền của Thủ tướng Nawaz Sharif.

Trong 8 năm cầm quyền điều hành một chính phủ quân sự gồm các tướng lĩnh quân đội, ông Musharraf nhanh chóng cải thiện quan hệ với Mỹ bằng việc ủng hộ toàn diện cuộc chiến chống khủng bố của Washington. Nhờ đó, Chính phủ quân sự của ông Musharraf được Mỹ công nhận.

Cũng vì điều này, uy tín trong nước của ông Musharraf giảm sút nhanh chóng vì dân chúng coi Musharraf là một nhà lãnh đạo độc tài, cản trở sự phát triển của Pakistan theo hướng dân chủ.

Sau một thời gian dài đứng đầu một chính phủ quân sự không được Mỹ và phương Tây ủng hộ, ông Musharraf quyết định chuyển sang chính sách ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tranh chống lại Chính phủ Afghanistan do Taliban đứng đầu sau sự kiện 11/9.

Vì điều này, các kẻ thù chính trị của Musharraf cho rằng ông đã phản bội lại người Hồi giáo. Đổi lại, Chính quyền Musharraf được Mỹ công nhận và hậu thuẫn. Chỉ trong 6 năm qua Mỹ đã đổ vào Pakistan hơn 11 tỷ USD chủ yếu là viện trợ quân sự để Chính phủ này chống lại lực lượng al Qaeda và tàn quân Taliban ở vùng biên giới Afghanistan-Pakistan. 

Năm 2007, trước sức ép của phe đối lập, ông Musharraf từ bỏ chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Pakistan để trở thành một Tổng thống dân sự.

Sai lầm trong chính sách cai trị

Tổng thống Musharraf mắc sai lầm lớn trong chính sách cai trị của mình là đã cách chức Chánh án Tòa án tối cao Iftikhar Chaudhry. Ông làm việc này vì sợ các thẩm phán sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cách chức Tổng thống của ông.

Sự kiện nói trên đã kéo theo hàng loạt thẩm phán trên toàn quốc bị cách chức dẫn đến làn sóng đòi thay đổi chế độ của Musharraf. Tại cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đảng của ông Musharraf thất bại nặng nề, tạo cơ hội cho đảng Nhân dân Pakistan của nhà chính trị đối lập Bhuto giành thắng lợi lên cầm quyền.

Chính phủ mới cho khôi phục lại chức vụ của các thẩm phán bị Musharraf cách chức trước đó. Nay đến lượt các thẩm phán đòi đưa Tổng thống ra luận tội.

Sau khi Tổng thống Musharraf từ chức, ai lên thay thế vào vị trí của ông hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Có tin đồn rằng hai nhân vật đều muốn được thay thế vào vị trí Tổng thống của ông Musharraf gồm cựu Thủ tướng Nawaz Sharif và ông Zardari Asif Ali-chồng bà Bhuto từng bị ám sát trước cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Đ.P
Tổng hợp

MỚI - NÓNG