'Đánh bắt xa bờ'

Tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận hồi tháng 4/2014
Tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận hồi tháng 4/2014
TP - Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tập trận chung với nhau, nhưng đây là lần đầu tiên hai nước tập trận tại Địa Trung Hải - khu vực trước nay vốn được coi là sân sau của Mỹ và NATO. 

Giới phân tích an ninh, quốc phòng thế giới thảng thốt: Trung Quốc làm gì ở một nơi xa nhà như Địa Trung Hải? Trước tiên, Trung Quốc biểu thị tình đoàn kết với Nga như hai đồng minh (dù có thể chỉ tạm thời) sát cánh. Mặt khác, rõ ràng, Trung Quốc đang cố gắng chứng minh mình đang là một cường quốc toàn cầu, giờ đây không chỉ biết quẩn quanh ao nhà. Biểu dương sức mạnh tại một khu vực xa xôi là cách Bắc Kinh trình diễn khả năng phóng chiếu quyền lực và khẳng định mình.

Quyết định chọn Địa Trung Hải làm sân khấu để “trình diễn” rõ ràng còn là một sự đáp trả mang tính biểu tượng đối với nỗ lực của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ an ninh với các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương, củng cố hệ thống đồng minh và đối tác. Mới đây, Mỹ và Nhật cài đặt lại phương châm hợp tác quốc phòng, cho phép Nhật mở rộng vai trò cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu, tăng cường hỗ trợ Mỹ và đưa quân ra nước ngoài khiến Trung Quốc như ngồi trên lửa. Bắc Kinh càng giãy nảy khi Mỹ vừa tuyên bố đưa tàu chiến và máy bay thách thức yêu sách chủ quyền ngang ngược và phi lý của họ ở biển Đông…

Hãng tin Bloomberg nhận định, Trung Quốc tập trận chung với Nga ở Địa Trung Hải còn liên quan cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” và Bắc Kinh có lợi ích khi đáp trả những gì mà họ xem là các hoạt động gia tăng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, Trung Quốc cũng có lý do mang tính khu vực để biện minh cho cuộc tập trận này. Nền kinh tế đói khát nguyên nhiên liệu của Trung Quốc phải nhập khẩu ngày càng nhiều từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Những năm gần đây, Bắc Kinh đã hai lần phái tàu sơ tán lao động Trung Quốc khỏi các khu vực bất ổn chính trị ở Lybia và Yemen.

Trung Quốc cũng đang ra sức cổ súy cho Con đường Tơ lụa trên biển và Vành đai kinh tế trên bộ. Cuộc tập trận cũng là thông điệp Bắc Kinh thể hiện khả năng hậu thuẫn và bảo vệ cho các tham vọng trên. Tờ Deutsche Welle (Đức) nhận định, phương Tây sẽ buộc phải làm quen với những hành động như vậy của Trung Quốc trong tương lai. Tờ Global Times (Trung Quốc) đăng xã luận cáo buộc phương Tây thổi phồng sự kiện Trung-Nga tập trận như nguy cơ tăng lên, nói rằng đây là sự hợp tác đem lại lợi ích cho cả đôi bên, song đó không phải là một liên minh theo nghĩa truyền thống. Tờ báo chọc ngoáy thêm rằng, hai nước xem nhau bình đẳng chứ không giống mối quan hệ “chủ tớ” Mỹ-Nhật. Tờ báo dân tộc chủ nghĩa còn phán xanh rờn: “Đã đến lúc giới tinh hoa phương Tây phải từ bỏ sự cố chấp ích kỷ, tự coi mình là trung tâm và nhìn xem Trung-Nga đang định nghĩa lại hệ thống quan hệ quốc tế già cỗi như thế nào”.

Tuy nhiên, The Economist cho rằng, mối quan hệ bạn bè Nga-Trung không hề dễ dàng và còn lâu mới bình đẳng. Do đang bị cô lập, Nga ngày càng lép vế, chỉ đóng vai trò nguồn cung nguyên liệu và dầu khí cho cường quốc láng giềng.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.