Đánh hay không đánh Iran: Thế lưỡng nan cho ông Netanyahu!

Ông Netanyahu sẽ phải thận trọng và khiêm tốn khi đưa ra quyết định cuối cùng với Iran.
Ông Netanyahu sẽ phải thận trọng và khiêm tốn khi đưa ra quyết định cuối cùng với Iran.
Không cần phải tranh luận về mối đe dọa hạt nhân của Iran với Israel nhưng ông Netanyahu sẽ quyết định thế nào với Iran sau những lời hăm dọa sử dụng hành động quân sự với nước Cộng hòa Hồi giáo của thuộc cấp? Israel sẽ đánh hay không đánh Iran?

> Ông Obama thuyết phục Tổng thống Palestine từ bỏ nỗ lực

Hiện trên các phương tiện truyền thông đã có rất nhiều suy đoán về khả năng sử dụng hành động quân sự của Israel và nó càng được củng cố hơn qua những tuyên bố hùng hồn của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak.

Hôm 2-2, ông này đã tuyên bố nếu các biện pháp trừng phạt Iran không tỏ ra hiệu quả, Israel sẽ xem xét bắt đầu hành động quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này và Nhà nước Do Thái đã sẵn sàng hành động trước khi “quá muộn”.

Thêm vào đó, ở bên kia Tây Bán cầu, người đồng minh Hoa Kỳ cũng “phụ họa” với cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta: “Israel thể hiện rằng họ rất quan tâm đến khả năng tấn công Iran” và cho rằng Israel rất có thể tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 tới.

Nhưng dù có hăm dọa hùng hồn như thế nào đi chăng nữa thì ông Ehud Barak vẫn không phải là người ra các quyết định tối quan trọng cuối cùng của quốc gia mà công việc đó là của ông Netanyahu – Thủ tướng đương nhiệm của Israel.

Israel đã thực hiện nhiều quyết định gây tranh cãi trong các thập kỷ qua, một số đã bộc lộ sai lầm. Một điều không thể không nói ở đây là các hành động quân sự chính của Israel trong thời gian qua không được sự ủng hộ cao từ công luận kể cả trong nước.

Và ông Netanyahu sẽ phải cân nhắc một trong những quyết định quan trọng nhất trong lịch sử Israel: tấn công chương trình hạt nhân của Iran!

Hãy tưởng tượng ông Netanyahu một mình ngồi trong văn phòng trước khi ra quyết định sẽ phải làm gì với Iran – mối đe dọa cho sự tồn tại của Israel trong khi không thể không nghĩ đến thảm họa diệt chủng Holocaust đã xảy ra với người Do Thái trong lịch sử không xa.

Phải nhớ, Israel được thành lập để những người Do Thái sẽ không bao giờ phải đối mặt với mối đe dọa tiêu diệt. Không bao giờ nữa!

Trong khi đó, hành động quân sự với nước Cộng hòa Hồi giáo cũng có thể đưa đến một hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ngay cả khi giả sử cuộc tấn công đó thành công.

Iran đã có các phương tiện kỹ thuật để sản xuất một quả bom hạt nhân và một cuộc tấn công có thể khiến chương trình sản xuất bom hạt nhân của Iran bị lùi lại không quá vài năm – một thời gian không vô nghĩa nhưng không phải là một giải pháp.

Hơn nữa, theo ước tính của Israel, Iran có hàng trăm tên lửa đạn đạo Shahab có khả năng đánh bật Israel.

Và cùng với Syria, Iran đã cung cấp cho lực lượng vũ trang dòng Shitte Hezbollah một kho vũ khí khổng lồ với hơn 50.000 tên lửa, được thiết kế chính xác cho kịch bản này và có khả năng bao phủ cả Israel một khi được bắn từ Lebanon.

Không có lý do nào để tin rằng Hezbollah sẽ không sử dụng kho vũ khí này. Năm 2006, trong chiến tranh Lebanon, Hezbollah đã bắn 4.000 quả rocket vào Israel, bằng khoảng 1/3 kho vũ khí với 13.000 tên lửa của lực lượng này vào thời điểm đó.

Nếu bây giờ Hezbollah chỉ sử dụng tỉ lệ tương tự với kho vũ khí hùng hậu của mình thì mức độ hủy diệt nhằm vào Israel sẽ không thể lường được. Lực lượng chiến binh Hồi giáo Hamas của Palestine vốn đối địch với Israel từ lâu cũng có một kho vũ khí với số lượng khá “khiêm tốn” – “chỉ” hàng ngàn tên lửa đang “chờ đợi”.

Hơn nữa, sự bất ổn của các chế độ ở Ai Cập và Syria sau mùa Xuân A Rập cũng làm tăng đáng kể những rủi ro, nguy hiểm mà Israel có thể sẽ phải đối mặt và bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu với thế giới Hồi giáo.

Syria có thể sẽ làm chệch hướng quan tâm của công chúng vào sự bất ổn chính trị trong nước bằng cách “lái” sang một kẻ thù bên ngoài. Còn ở Ai Cập, chính phủ Hồi giáo mới lập lại không mặn mà cam kết hòa bình với Israel.

Một sự kích động với thế giới Hồi giáo đang có nhiều biến chuyển sẽ có thể tạo ra một cuộc đối đầu không lường trước được hậu quả.

Cộng đồng quốc tế, cuối cùng cũng bắt đầu mạnh tay với những biện pháp trừng phạt siết chặt hơn nữa để đối phó với chương trình hạt nhân của Iran – “mối đe dọa” mà gần 20 năm trước Israel và Mỹ đã lần đầu tiên cảnh báo.

Nhưng hành động tấn công Iran đơn phương của Israel chắc chắn sẽ bị phản ứng gay gắt và trong một số trường hợp, Israel có thể bị trừng phạt.

Chính quyền Obama đã nói rõ rằng Hoa Kỳ kiên quyết phản đối hành động quân sự, mặc dù các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã thất bại trong việc giải quyết các mối đe dọa.

Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng cho rằng, động thái này của Israel sẽ làm tiêu tan nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như các giải pháp phi quân sự và cho biết “Nhà Trắng chưa thể quyết định chính xác sẽ phản ứng ra sao nếu Israel thực sự tấn công Iran”.

Israel đã “lờ” đi bao sự phản đối của cộng đồng quốc tế trước đây trong hành động với Iran, với người Palestine,… nhưng khó có thể không “lung lay” nếu “vấp” phải sự phản đối của Mỹ – đồng minh chính và sẽ còn “bảo kê” cho Nhà nước Do Thái dài dài sau cuộc tấn công.

Ông Netanyahu đang ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ông sẽ phải xử lý nguy cơ tiềm tàng đe dọa đến sự tồn tại của Nhà nước Do Thái trong khi phải cân nhắc những kết quả không chắc chắn của hành động quân sự nhằm vào Iran: bị Iran “dội bom”, Hezbollah tàn phá, nguy cơ chấm dứt hòa bình với Ai Cập, thậm chí là một cuộc đối đầu quân sự và chiến tranh khu vực, quốc tế sỉ nhục nghiêm trọng và rạn nứt trong quan hệ với Hoa Kỳ.

Hẳn ông Netanyahu sẽ phải thận trọng và khiêm tốn khi đưa ra quyết định cuối cùng!

 Theo petrotimes

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG