Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Tiên trách kỷ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
TP - Cuộc đảo chính quân sự lần thứ tư trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) kết thúc chóng vánh trong vòng 12 giờ đồng hồ.

Khởi điểm vào nửa đêm ngày 15/7 khi người đứng đầu đất nước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang đi nghỉ tại Địa Trung Hải. Khoảng 5 tiếng sau khi trở về nước, đích thân Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính đã bị đánh bại. Khoảng 90 người chết, 1.200 người bị thương và hơn 1.600 người tham gia đảo chính bị bắt.

Cuộc đảo chính là hành động bột phát của một nhóm nhỏ binh sĩ trong quân đội TNK, không nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia, tướng lĩnh quân đội và dân chúng, vì thế thất bại được dự đoán trước. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa, ông Erdogan miễn nhiễm trước các cuộc đảo chính, mà như thừa nhận của lãnh đạo đất nước TNK: “Những đợt phản công mới của những người muốn đảo chính vẫn có thể xảy ra”.

Cuộc đảo chính diễn ra sau chuỗi các vụ khủng bố xảy ra, điều này cho thấy an ninh TNK cực kỳ bất ổn dưới thời Tổng thống Erdogan. Mới nhất, đầu tháng 6/2016, 11 người chết và nhiều người khác bị thương khi xảy ra nổ bom ở trung tâm Istanbul. Hai tuần sau, vụ đánh bom tự sát ở sân bay quốc tế Istanbul làm 250 người thương vong.

Quan điểm cứng rắn của ông Erdogan khiến nhiều người trong quân đội TNK quan ngại. Từ khi lên làm tổng thống (năm 2014), để thực thi chính sách thanh trừng những nhân vật trong ban lãnh đạo lực lượng vũ trang thời trước, ông Erdogan chỉ thị đưa ra tòa án binh và kết án hàng loạt tướng lĩnh. Các chính trị gia nhiều lần cảnh báo, cuộc “thanh trừng” mà ông Erdogan tiến hành có thể kích động đảo chính quân sự.

Việc ông Erdogan can dự vào khủng hoảng Syria, hậu thuẫn các nhóm Hồi giáo đối lập chống Tổng thống Bashar al-Assad cũng vấp phải sự phản đối của không ít giới chức quân sự TNK vốn ủng hộ quan hệ hòa hiếu với láng giềng.

Phong trào Gulen cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới đảo chính ở TNK. Gulen hoạt động tại hơn 150 quốc gia, trực tiếp hướng dẫn thanh niên TNK cách để giành vị trí trong bộ máy chính quyền, đặc biệt là các cơ quan tư pháp, quân đội hay cảnh sát. Ảnh hưởng cũng như nguồn lực tài chính mà Gulen chi phối ở TNK được xem là “đáng gờm”.

Tuy ông Erdogan dập tắt được cuộc đảo chính, nhưng như phân tích của chuyên gia Fadi Hakura (Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh): Để xảy ra đảo chính, ông Erdogan trước hết phải tự nhìn nhận lại bản thân mình. Hay nói như một câu thành ngữ : “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.”

MỚI - NÓNG