Chuyến thăm Việt Nam của ông K. Annan:

Dạo phố với Tổng thư ký LHQ

Dạo phố với Tổng thư ký LHQ
TP - Nhiều người dân Hà Nội có một kỷ niệm thú vị khi tình cờ được diện kiến vị chủ nhân của Liên Hợp Quốc (LHQ) cùng Phu nhân tới thăm các phố phường, di tích lịch sử nổi tiếng ở Thủ đô.

Hôm qua (25/5) có lẽ là ngày Tổng thư ký (TTK) LHQ Kofi Annan và Phu nhân Nane Annan cảm thấy thoải mái nhất trong chuyến hành trình suốt gần 3 tuần qua nhiều nước châu á với lịch làm việc dày đặc.

Từ phố Hàng Gai, đến đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm), rồi Văn Miếu - Quốc Tử Giám…, TTK Annan như muốn bày tỏ rằng nếu không vì trọng trách nặng nề của người đứng đầu LHQ, mình cũng như những người đàn ông bình thường khác.

Không còn bộ vét đen quen thuộc, không cà vạt, không đồng hồ thường đeo bên tay phải và chỉ mặc áo sơ mi màu xanh da trời không túi, quần kaki xám, TTK Annan “hóa thân” thành một người đàn ông da đen giản dị, nhưng lịch lãm, hóm hỉnh với bất kỳ người nào ông gặp.

Ông Annan cũng tỏ ra rất ga lăng và quan tâm đến người bạn đời xinh đẹp khi luôn dành cánh tay trái để bà vịn vào. Ông bà đã tham quan khá lâu trong một cửa hàng vải lụa truyền thống Việt Nam trên phố Hàng Gai trước khi vào đền Ngọc Sơn để rồi phải trầm trồ trước “cụ” rùa và câu chuyện lịch sử ở hồ Hoàn Kiếm.

Trong khi đó trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu – Quốc Tử Giám để lại cho ông bà Annan những kỷ niệm khó quên.

Chọn cổng để có cả tài và đức

Dạo phố với Tổng thư ký LHQ ảnh 1
Phút thơ mộng bên hồ Hoàn Kiếm của ông K. Annan và phu nhân                    ảnh: Phạm Yên

TTK Annan đã 68 tuổi, nhưng khách du lịch trong ngoài nước tham quan tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đều phải trầm trồ về “phong độ” của ông.

Hướng dẫn viên Nguyễn Văn Tú nói, anh bất ngờ vì TTK không đi theo lộ trình tham quan vạch sẵn như với các nhà lãnh đạo khác. TTK bất ngờ rẽ chỗ này, quay chỗ kia trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám khiến cánh PV cũng phải bở hơi tai bám theo ông.

Sau khi chăm chú nghe anh hướng dẫn viên giới thiệu về cổng Thành Đức - Đạt Tài biểu hiện của đức và tài, ông Annan đã không do dự chọn đi cổng giữa (Đại Trung) để có cả tài và đức.

Trước đó, khi hai ông bà đi lối giữa để đến cổng Thành Đức, Đại Trung, Đạt Tài, hướng dẫn viên giới thiệu rằng, trước đây chỉ có vua quan mới được đi lối giữa. TTK Annan tỏ ra rất hứng thú với điều này và ông nói đùa rằng, hóa ra bây giờ chúng ta đang làm vua và mọi người đều đang tránh đường…

“Đệ nhất Phu nhân thế giới” – Quý phái, nhưng giản dị

Ở tuổi 62, Phu nhân Nane Lagergren vẫn luôn nhận được những lời trầm trồ về vẻ đẹp quý phái, nhưng luôn toát lên sự giản dị dễ gần trong những ngày bà ở Hà Nội.

Ngày 24/5, khi người chồng là chủ nhân LHQ đang diện kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam, người phụ nữ tóc vàng, mắt xanh đầy nhân hậu này đã đội mưa đến thăm những bà mẹ và con trẻ bị nhiễm HIV/AIDS tại Bệnh viện Đống Đa.

Để chia sẻ bớt gánh nặng của người chồng chủ nhân LHQ, kể từ khi làm vợ ông, bà chưa từng trả lời phỏng vấn báo chí. Dù vậy, bằng sự lịch lãm quý phái với những lời giải thích nhẹ nhàng, bà khiến cho các phóng viên Việt Nam rất hài lòng.

Ngày 25/5, khi cùng ông Annan đi khám phá Hà Nội, người phụ nữ này lại càng chứng tỏ tình yêu cũng như sự khéo léo trong vai trò một “Đệ nhất Phu nhân thế giới”.

Bà luôn vòng tay mình qua tay trái của ông, hoặc đưa tay cho ông dắt đi, thậm chí bà còn đưa kính cho ông cầm. Tại cửa hàng ở phố Hàng Gai, bà chọn mua vài chiếc túi xách nhỏ xinh xắn, cà vạt cho ông với giá bình dân chỉ vài chục USD.

Khi tham quan đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Dân tộc học…, cũng như những người phụ nữ khác, bà Nane rất thích mua sắm. Bà xem xét, hỏi han mọi thứ rất kỹ và luôn chọn mua những món hàng độc đáo nhưng không đắt tiền của Việt Nam.  

Rời khu văn bia, ông Annan bất ngờ dừng lại trước đoàn khách du lịch là các chiến sĩ mặc quân phục của một Học viện chính trị quân sự từ miền Nam ra đang cố nán lại để được nhìn tận mắt nhà lãnh đạo xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện thông tin. Việc được vị chủ nhân của LHQ ân cần hỏi han khiến các chiến sĩ rất bất ngờ, xúc động.   

Khác với 2 hôm trước, Hà Nội ngày 25/5 nắng và oi bức vì có mây. Mồ hôi thấm dần ra áo, nhưng TTK dường như quên hết chuyện thời tiết, ông mải lắng nghe hướng dẫn viên, ngắm nhìn và trầm trồ về nền giáo dục lâu đời của Việt Nam. Ông còn tò mò hỏi anh hướng dẫn viên rằng liệu hệ thống giáo dục độc đáo này hiện còn tồn tại không.

Từ ngoài cổng chính vào sân khu Thái Học, ông Annan vẫn để mắt tới người phụ nữ mặc áo dài truyền thống, tay xách theo mấy chiếc ô để sẵn sàng phục vụ ông bà khi trời đổ mưa. Đó là chị Hoàng Quốc Hương, người từng làm hướng dẫn viên cho cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ông sang thăm Việt Nam và đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Tại sân Thái Học, ông Annan lại bất ngờ quay sang hỏi chuyện chị Hương. Thay cho lời cảm ơn, TTK sử dụng một câu ngạn ngữ tiếng Anh đại ý rằng, thường khi người ta mang ô theo thì trời lại không mưa, như hôm nay vậy.

Chị hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm này cũng nói đùa lại rằng nhờ cầm ô, chị mới được tiếp cận TTK LHQ gần hơn. Ông Annan tỏ ra thích thú với câu nói này và còn khen chị nói tiếng Anh rất giỏi. Có lẽ ông nghĩ chị chỉ là người cầm ô.

Sinh viên danh dự của Việt Nam

Cũng như các nhà lãnh đạo khác khi đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, vợ chồng ông Annan luôn tỏ ra tôn kính. Ông bà tự thắp hương trước tượng thờ  Chu Văn An và các vị vua gắn liền với lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Trước tượng vua Lý Thánh Tông, người có công sáng lập Văn Miếu, TTK Annan rất tò mò với đồ bát bửu (giỏ hoa, túi thơ, quạt, bút lông…) của quan văn ngày xưa. Cũng tại đây khi được giải nghĩa 2 dòng chữ Hồi tỵ (Vòng đi, quay lại) và Tĩnh túc (im lặng), ông Annan nói đùa: “Vậy chúng ta phải tránh đi, hay vòng đường khác?”.

Theo anh hướng dẫn viên, sau một vòng tham quan và tỏ ra nể phục trước các vị Tiến sĩ ngày xưa cũng như trường đại học đầu tiên của VN, vị chủ nhân LHQ chợt hỏi: “Vậy tôi muốn làm học trò của trường này có được không?”. TTK rất tâm đắc khi được hướng dẫn viên “gợi ý” ông có thể trở thành người học trò danh dự của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Có lẽ việc không có cơ hội nói chuyện với sinh viên trong chuyến thăm Việt Nam vẫn khiến TTK Annan cảm thấy nuối tiếc. Ông muốn được làm một người đi học ở Việt Nam dù chỉ nói đùa và còn viết vào sổ lưu niệm “Very Serene and peaceful. A great place for students” (Rất tĩnh lặng và thanh bình. Một nơi tuyệt vời cho học trò).

Khi ông viết xong, hai ông bà trao đổi với nhau điều gì đó và bà viết như để khẳng định thêm: “We always remain students” (Chúng ta vẫn mãi là học trò).

Đánh trống cầu mưa

Sau những ngày sống với nghi thức ngoại giao, ông bà Annan dường như rất tò mò và háo hức với mọi thứ. Trông như những khách du lịch bình thường khác, ông bà tay cầm quạt giấy phe phẩy, bớt đi sự nóng bức do thời tiết để chăm chú xem và lắng nghe những bản nhạc cổ truyền, dân ca Việt Nam do các thiếu nữ biểu diễn.

Hết bất ngờ này đến điều thú vị khác. TTK Annan như trút hết được mọi sự mệt mỏi sau chuyến công cán dài ngày khi tự tay đánh một hồi trống vào chiếc trống được cho là lớn nhất Đông Nam Á hiện nay trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Ông Annan càng tỏ ra thích thú hơn khi biết trống do một dòng họ có tiếng ở Nam Hà làm ra đúng dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2000). Ông đã đánh trống, bà cũng không chịu kém.

Khi biết mình đang đánh vào chiếc trống Sấm hay sử dụng trong lễ cầu mưa ngày xưa, bà Nane cũng đùa rằng: “Hóa ra tôi sẽ mang mưa đến à?”.   

MỚI - NÓNG