Đặt cược

Đặt cược
TP - Cuối cùng, Hội đồng bảo an LHQ cũng đã thông qua nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libya. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ quốc gia giàu dầu mỏ ở Bắc Phi này bị NATO oanh kích từ trên không.

>> Tương quan lực lượng khi xảy ra đụng độ NATO-Libya

Để ngăn chặn nguy cơ đó, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muamar Gaddafi đã buộc phải chấp thuận ngừng bắn với lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp cũng chưa thể đảm bảo mang lại một điều gì chắc chắn cho tương lai của quốc gia này bởi hai bên vẫn cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Vào thời điểm hiện nay, chỉ cần lực lượng trung thành với ông Gaddafi có bất cứ hành động quân sự nào, đặc biệt gần thành lũy của lực lượng nổi dậy ở

Benghazi, chắc chắn Libya sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công quân sự. Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Norton Schwartz đã tuyên bố rằng Washington có thể sử dụng cả máy bay cường kích và máy bay tiêm kích như F-15, F-16 và F-22 để tấn công các mục tiêu mặt đất tại Libya.

Là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba ở châu Phi, Libya có tiềm năng lớn đối với các công ty dầu khí khổng lồ để thu về siêu lợi nhuận. Đó chính là nền tảng cho những mối quan tâm một số cường quốc khi nói về dân chủ và nhân quyền của người dân Libya.

Washington đã quyết định can dự vào Libya do lo ngại trước sự lớn mạnh của lực lượng Gaddafi. Hẳn họ muốn một lập nên một chính phủ thân Mỹ và phương Tây ở Libya. Điều đó cũng dễ hiểu bởi từ lâu quốc gia này đã nằm trong chiến lược mở rộng dân chủ của Mỹ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Tuy nhiên Lầu Năm Góc, vốn bị dàn trải trên các chiến trường Iraq và Afghanistan, đang tỏ ra hoài nghi về khả năng gánh vác thêm một sứ mệnh quân sự mới ở Libya. Trong khi đó, mục tiêu mà Mỹ hướng tới là lật đổ chế độ Gaddafi, vốn được coi là “cái gai” trong mắt Washington nhiều thập kỷ qua, xem ra không gì dễ đạt được. Và điều quan trọng là liệu Mỹ có thiết lập được một nền dân chủ như họ mong muốn ở một quốc gia có quá nhiều phe phái như Libya.

Cái giá cho bất kỳ hành động can thiệp quân sự lớn nào cũng là khá đắt đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông đang cố tìm cách khép lại các chiến dịch quân sự ở Iraq và Afghanistan.

Thêm vào đó, ông cũng đang phải đối mặt với hàng loạt ưu tiên trong nước là tạo việc làm và phục hồi kinh tế, vốn được coi là hai vấn đề có tính quyết định tới cơ hội tái cử tổng thống của ông vào năm 2012. Vì thế, khi đã quyết định can thiệp có nghĩa là ông Obama đang đặt cược cả sinh mệnh chính trị của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".