Đêm không ngủ ở “thành phố di động”

Đêm không ngủ ở “thành phố di động”
TP - Helsinki và Stockholm chỉ cách nhau 1 giờ bay nhưng tôi quyết định đi bằng phà Silja chạy trên biển Baltic từ thủ đô Phần Lan sang thủ đô Thụy Điển để được trải nghiệm một đêm không ngủ trên “thành phố di động” rất nổi tiếng này.

Gọi là phà nhưng thực tế Silja là chiếc tàu thủy chở khách cao 14 tầng, dài 203 m,  rộng 31,5m, hiện đại, sang trọng và còn được gọi bằng một cái tên khác: “Bản giao hưởng Silja”.

Tàu thủy Silja mỗi chuyến chở được  2.852 hành khách, 450 xe hơi du lịch và 60 xe buýt lớn.Hàng ngày tàu có một chuyến xuất phát từ cảng Helsinki lúc 5 giờ chiều, đến 9 giờ sáng hôm sau thì tới cảng Stockholm và một chuyến khác chạy ngược lại.

Thử một chuyến du lịch rẻ tiền kiểu Tây balô, tôi mua vé hạng thấp nhất 4 người chung một phòng ở tầng 2 gần đáy của con tàu, không cửa sổ, không TV, máy nghe nhạc.

Tuy nhiên những thiết bị tối thiểu trong phòng thì lại tươm tất quá sự chờ đợi như toa-lét sạch sẽ, phòng tắm có bình nóng lạnh dùng chung cho tất cả 4 người, giường nằm có ga, gối thơm tho, khăn tắm trắng muốt không khác gì ở các khách sạn 5 sao.

Từ Helsinki đến Stockholm vào mùa này giá vé cho một giường nằm như trên chỉ có 33 euro. Trong khi đó nếu đi bằng máy bay vé hạng tiết kiệm cũng phải mất hơn 150 euro, chênh nhau đến cả 5 lần.

Còn giá vé hạng sang trọng với phòng riêng có cửa sổ tiện nghi đầy đủ trên tàu Silja cho một người là 250 euro. Giá này tương đương giá phòng khách sạn 5 sao ở Helsinki.

Đi bằng phà biển, hành khách được ngủ một đêm trên tàu, đỡ phải trả tiền cho một đêm ngủ ở khách sạn trên bờ. Lúc đầu tưởng chỉ có nhà báo nghèo mới đi vé hạng rẻ nhất như vậy, nào ngờ rất nhiều dân du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc,v.v. cũng chỉ dám xài đến vé hạng này.

Cùng chung phòng trên tàu thủy với tôi có một nhà kinh doanh Thái Lan gốc Ấn Độ, hai sinh viên một người từ Hàn Quốc, người kia từ Ý. Ông Ấn Độ kinh doanh nhà hàng ăn uống tại bãi tắm biển Pataya (Thái Lan)  nghe nói lần này sang bắc Âu để tìm kiếm thị trường và cơ hội kinh doanh mới.

Hai sinh viên tranh thủ lúc nhà trường đại học của họ ở Áo và Đức chưa chính thức tập trung thì đi du lịch một loạt nước châu Âu cho biết. Mỗi người một nghề, một hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là  muốn thỏa mãn sự tìm hiểu bán đảo Scandinavia với một mức chi phí thấp nhất.

Phố phường trên biển

Tàu thủy Silja thiết kế hệt như một khu phố sầm uất trên đất liền. Tầng 7 của con tàu có độ cao ngang với bề mặt cầu cảng. Từ tầng này trở lên tàu được thiết kế giống hệt như một đoạn của đường phố. Giữa lòng con tàu là một khoảng trống như một đường phố hẹp dài hơn 100 m.

Hai bên là những nhà hàng, cửa hiệu với những biển quảng cáo nhấp nháy nhiều màu sắc trên các tầng - chẳng khác mấy so với một đoạn đường phố trên bờ.

Cũng những khối “nhà” cao tầng, thang máy lên xuống tấp nập, siêu thị, phòng tập thể thao, rạp chiếu bóng, phòng hòa nhạc, nhà vui chơi cho trẻ em, tiệm ăn, quán bar, tiệm cà phê, vũ trường, nhà xông hơi (sauna), sòng bạc, ngân hàng, bưu điện... bố trí tại các tầng khác nhau một cách hợp lý. 

Để tạo cho hành khách cảm giác nơi đây giống như một khu phố buôn bán sầm uất, phần trên cùng của nóc tàu được lợp bằng kính trong suốt cho phép người đi trên “phố” ngửa mặt lên là nhìn thấy cả trăng sao, mây trời.

Tàu Silja chạy trên biển Baltic giữa hai vùng lãnh hải Thụy Điển và Phần Lan nên mọi dịch vụ trong con tàu được miễn thuế. Các anh chị ở Đại sứ quán Việt Nam tại Stockholm cho biết, vì điều này mà nhiều người, trong đó có cả người Việt, dù không có nhu cầu đi sang Phần Lan vẫn cứ thích xuống tàu Silja để được hưởng các dịch vụ và mua sắm hàng miễn thuế.

Từ cảng biển Helsinki bước xuống tàu “Bản giao hưởng Silja” tôi cũng như các hành khách khác được đề nghị đứng giữa một cổng hình cầu vồng để chụp ảnh.

Lúc đó tôi nghĩ ở châu Âu người ta thận trọng chụp hình tất cả các hành khách lên tàu để đề phòng khủng bố. Sau này đã lên tàu rồi đi dạo “phố” tôi thấy tấm hình mình phóng to được treo ngay ngắn tại một hiệu ảnh di động. Dưới bức ảnh ghi giá 26 euro.

Hoá ra anh chủ tiệm ảnh người Phần Lan đã khai thác tâm lý hành khách muốn có kỷ niệm về tàu Silja nên hợp đồng với nhà tàu để được làm nghề “phó nháy” trên tàu.

Với tôi, giá bức ảnh nói trên là quá đắt so với giá chiếc vé tàu thủy hạng rẻ tiền 33 euro. Tôi bèn rút máy ảnh kịp chụp lại bức hình mình treo trên bảng trước khi bị vợ người chủ hiệu ảnh chạy ra ngăn cản…

Những cuộc chơi thâu đêm

Đã đến giờ dùng bữa tối nhưng trời vẫn còn nắng. Tôi cùng anh bạn trẻ sinh viên Hàn Quốc tới một tiệm ăn đặc sản Scandinavia có chỗ ngồi đẹp gần cửa sổ để có thể ngắm cảnh.

hông biết tiếng Phần Lan, tôi chỉ đại trong thực đơn được món sườn cừu quay dùng với bánh mỳ, khoai tây chiên, thêm một vại bia hơi Tuborg giá cả gói 16,5 euro, đúng bằng một nửa giá vé tàu.

Thức ăn không hợp khẩu vị nhưng là dịp để chúng tôi thưởng thức món sườn cừu quay và bia tươi của xứ Scandinavia. Thấy thức ăn của chúng tôi bỏ lại trên bàn còn khá nhiều, người chủ tiệm đặc sản Scandinavia nhìn chúng tôi ái ngại.

Rời tiệm ăn, chúng tôi lên tầng có sòng bạc casino. Tại đây các bàn với nhiều loại hình đánh bạc khác nhau như cây bài lơ khơ đến các trò chơi đặt cửa đều có người chiếm giữ.

Những tay đánh bạc không chuyên vừa chơi vừa cười đùa ầm ỹ - khác hẳn với không khí tĩnh lặng và căng thẳng tại các sòng bạc ở Las Vegas (Hoa Kỳ) hay Đồ Sơn (Hải Phòng).

Hầu như mọi hành khách trên tàu Silja đều thức suốt đêm trên “phố”, không muốn trở về phòng ngủ. Tại vũ trường, những cặp nam, nữ đa số là đã lớn tuổi đắm say trong các vũ điệu trên nền nhạc cổ điển châu Âu.

Các bước nhảy khi tưng bừng dồn dập, lúc nhẹ nhàng tình tứ si mê. Dường như nhiều hành khách đã có chuẩn bị trước cho các cuộc khiêu vũ trên tàu nên tại vũ trường người nào cũng mặc những trang phục rất phù hợp với vũ hội và thời trang.

Nhiều cụ ông tuổi khoảng 70-80, tóc chải gôm mượt, sơ mi trắng muốt, giầy bóng lộn, khoác áo đuôi tôm dắt các cụ bà to béo đi những bước duyên dáng khi khoan thai theo điệu nhạc tăng gô, lúc quay cuồng, bay bổng theo điệu valse.

Trên khán đài, khán giả vừa nhâm nhi bia, rượu, đồ nhắm nhẹ vừa bình phẩm về những đôi nhảy đẹp. Ngồi cùng anh bạn sinh viên Hàn Quốc cùng phòng tại một chỗ ngồi khiêm tốn để nhâm nhi bia tươi, tôi cảm thấy rõ ràng nhiều hành khách xuống tàu Silja cốt để hưởng thụ trong thời gian tàu chạy hơn là để đi Stockholm.

Trên tầng 14 của con tàu có vài quán bar chơi nhạc sống. Các nhạc công mỗi khi nhận được tiền bo của khách nhậu đều sẵn lòng chơi những bản nhạc theo yêu cầu.

Khoản tiền thưởng không cố định mà tùy thuộc vào sự hảo tâm của từng người nhưng nói chung để được nghe những bản nhạc theo yêu cầu ít nhất cũng phải bo 10 euro. Tại quán bar khác, một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp cứ nhẫn nại chơi hết bản nhạc cổ điển này đến bản khác.

Người nghệ sĩ piano mặc áo đuôi tôm ngồi chơi đàn, hai bàn tay với những ngón dài thon thả lướt nhẹ trên hàng phím. Mắt anh nhắm nghiền, đầu nghiêng ngả theo cảm xúc mà không cần biết xung quanh có nhiều người lắng nghe tiếng đàn của mình hay không…

Cứ như vậy, chúng tôi ghé vào hết cuộc vui này đến cuộc vui khác cuối cùng mới tìm một chỗ ngồi nhâm nhi ly bia hơi và trò chuyện cho đến khi trời sáng.

Từ trên boong tàu các hành khách xuýt xoa trước cảnh mặt trời buổi sáng tỏa ánh nắng vàng ấm áp lên những xóm nhỏ yên bình của người Thụy Điển trên các sườn núi sát biển.

Nước biển Baltic đen ngòm chứ không trong xanh như biển Thái bình Dương, chứng tỏ biển rất sâu và nước mùa này rất lạnh. Con tàu mang tên “Bản giao hưởng Silja” vẫn tiếp tục rẽ sóng lướt lên phía trước, để lại phía sau một vệt bọt trắng xóa kéo dài lấp lánh dưới nắng sớm mùa thu bắc Âu.

MỚI - NÓNG