Đi Nhật, chuyện giờ mới kể

Đi Nhật, chuyện giờ mới kể
TP - Xẩm chiều xứ Nhật thì cũng rưa rứa như bất cứ một nơi nào của xứ Á Đông. Nhưng hoàng hôn xứ Mặt Trời Mọc cái ráng cũng sậm đậm và cũng mau tan, mau loãng hơn vì bình minh đã dậy trước bên mình đúng hai tiếng đồng hồ!
Đi Nhật, chuyện giờ mới kể ảnh 1
Nhà báo Xuân Ba trước Đền Yasukuni

Hoặc là bây giờ. Hoặc chả bao giờ... Nói chi trước. Chắc trước điều gì trước ở tầm tuổi lẫn cái nghề vốn được coi là bất trắc này.

Vậy nên nhác trong chương trình có một khoảng hở non tiếng đồng hồ, tôi leo ngay lên chiếc xe một người em đồng hương để đến ngôi đền nổi tiếng hay tai tiếng của xứ Phù Tang. Đền Yasukuni!

Xẩm chiều xứ Nhật thì cũng rưa rứa như một xó xỉnh nào của xứ Á Đông. Nhưng hoàng hôn xứ Mặt Trời Mọc cái ráng cũng sậm đậm và cũng mau tan, mau loãng hơn vì bình minh đã dậy trước bên mình đúng hai tiếng đồng hồ! Mải cho con xe vùn vụt len giữa dòng xe dày đặc nhưng thằng em vẫn ậc cái đầu về phía đằng trước áng chừng để chỉ cho ông anh cái ngôi đền đang hằn trên nền vàng ửng hôn hoàng Tokyo...

Lối đi thênh thang hun hút rườm rà tinh những thứ anh đào cổ thụ dẫn vào đền. Chú em cho hay, cữ tháng ba tháng tư ngôi đền sẽ ngập trong sắc hồng phấn thứ quốc hoa Phù Tang.

Chắn ngang lối đi như một thứ nghi môn (nơi bắt đầu dừng xe xuống ngựa sửa sang quần áo, chuẩn bị tinh thần để bước vào đền chùa hay những chốn linh thiêng) gồm bộ cổng xếp theo hình chữ T cao vòi vọi. Hun hút một quãng nữa là một trụ đá sừng sững có ba bậc dẫn, ngước lên đột ngột bốn chữ Tĩnh Quốc Thần Xã tạc trên đá có màu hồng rực do ánh đèn chiếu hay là ánh lửa của sáu đống củi kia đang bắt lửa rừng rực hắt vào? Đã nhá nhem tự lúc nào của cữ chót thu xứ Phù Tang nên những đống lửa rừng rực trước nghi môn khá bắt mắt với khách.

Năm ông tuổi sồn sồn bận đồ màu trắng, bắt tay sau lưng, cứng đờ người trong một thế tấn nào đấy quanh mỗi đống lửa như thế, mắt trừng trừng ngó khách qua, nhìn phát khiếp. Chú em giải thích, ấy là một dạng thiền chi đó thường được tiến hành mỗi buổi nhá nhem! Chú nói tôi đừng có ngại, có thể mồi điếu thuốc vào mớ than kia để lấy hên cũng được!

Đã hết giờ tham quan từ lâu nhưng khách tham quan lúc nhá nhem này hãy còn kha khá nên sân đền đỡ quạnh. Đa phần người Âu. Để lấy hên may chi đó, họ bắt chước những người Nhật là bỏ vài  đồng xu đánh keng vào thùng gỗ hở (na ná như hòm công đức) rồi lấy tay vỗ nhẹ lên trán lên đầu.

Ngắm ngó chán, tôi bệt xuống khoảng gạch sạch bong trước đền mà chõ mục hồi lâu vào mặt tiền ngôi đền có giăng một tấm vải màu vàng ngả trắng, to tướng, được vén lên phía chính giữa như kiểu bình phong trấn trạch. Trên đó, không biết thêu hay in lấp lánh hình 4 đóa bạch cúc cách điệu với những cánh xoải dài được viền quanh bởi một vòng tròn. 

Ngó chán lại tò mò hỏi ông em là bốn đóa bạch cúc kia ý nghĩa như thế nào, thì được lý giải đại ý, người Nhật thường dùng cúc trắng để làm hoa cúng. Thứ hoa này cũng là hoa được dùng trong hoàng cung. Tại sao không ba năm hay bảy mà bốn, vì con số 4 vào “khung’’ sinh lão bệnh tử. Ý thế!

Tĩnh Quốc được kết cầu theo lối chữ vương. Lớp lang phần hậu cung thế nào nhưng mặt tiền chỉ vậy bởi khách không được phép đi thêm? Vòm mái Tĩnh Quốc cao vòi vọi với lối đặc thù kiến trúc Nhật không lẫn vào đâu được. Mà cũng lạ? Lùi ra ở một cự ly nhất định mà ngó, vòm mái Tĩnh Quốc hao hao một thứ mai rùa khổng lồ! Nếu đúng thì cứ trong ý tứ mà suy, thứ tứ linh há lại chẳng đáng để thờ lắm ru? Long, Ly, Quy, Phượng mà?

Khi giơ chiếc máy ảnh lên thì hai ông bảo vệ đền, có lối phục sức hao hao như cánh bảo vệ khách sạn, liền ngăn lại kèm theo một tràng tiếng Nhật. Chú em tôi nói là không được phép chụp chính đền trên lối thần đạo (lối chính vào đền) mà phải đứng chếch ra.

Chú em từng là thổ công xứ này, lại chịu đọc, lẫn tham quan đây đó, ít nhất đã đến đền hai lần nên sự tò mò của tôi được giải tỏa phần nào ở trong phía hậu cung hun hút kia. Cộng với thông tin trên mấy tờ bướm ở ki ốt trước đền mà hồi nãy tôi vơ quáng quàng, về ngó lại thì mới vỡ vạc thế này:

Tên đầy đủ ngôi đền là Tĩnh Quốc Thần Xã nhưng được gọi tắt là Tĩnh Quốc, nơi thờ phụng những người lính tử trận vì đã chiến đấu cho Nhật Hoàng. Tiền thân của đền thờ này là Đông Kinh Chiêu hồn xã (Đền gọi hồn người chết tại Đông Kinh) được xây dựng ở cố đô Đông Kinh Tokyo Nhật Bản vào năm 1886.

Đến năm 1875, Hoàng đế Minh Trị quyết định rời Chiêu hồn xã về Tokyo và đổi thành Tĩnh Quốc (Yasukuni), với mục đích biến đền thờ này thành một địa điểm linh thiêng đề cao bản sắc dân tộc và là nền tảng tinh thần cho Nhật Bản. (Lạ là chữ Tĩnh vốn chữ thanh bên trái và chữ Tranh mé bên phải. Nhưng văn tự ở đền này, có thêm chữ Lập thay cho Thanh và Thanh thay cho Tranh? Chắc có ý có tứ cả, chỉ khổ cái điều kiến văn mình nông hẹp)

Lẩu lâu đọc được đâu đó rằng, phi công của những Phi đội Thần Phong cảm tử mỗi khi xung trận lại nhắc nhau câu này "Hẹn gặp nhau ở Tĩnh Quốc!" Chao ôi thì đứt là Yasukuni này chứ còn mô nữa? Sinh vi tướng tử vi thần. Chả biết triết lý Trung Hoa thăng hoa thành triết lý, cái triết lý chết của Á Đông hồi nào không rõ?  Tĩnh Quốc cũng có thể hàm nghĩa là Đất nước yên tĩnh. Nhưng Tĩnh Quốc cũng có thể là cái tĩnh thờ của một nước vậy. Hay là có cái nghĩa thế nên mới đeo chữ Lập bên cạnh?

... Đã có 2.466.532 lính Nhật bỏ mình trong chiến tranh và cũng là ngần ấy linh hồn được ghi tên và trú ngụ tại ngôi đền này! Không chỉ linh hồn của những người lính thường ngã xuống qua những cuộc xung đột nội chiến mà còn rất nhiều lính đã bỏ mạng trong cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, Triều Tiên  ... (Tôi không rõ trong ngôi đền này có thờ những người lính bỏ mạng trong cuộc chiến tranh Việt Nam?)

Rắc rối bắt đầu từ năm 1978. Tên của mười bốn tội phạm chiến tranh hạng A khét tiếng của Nhật được đưa đến thờ ở Tĩnh Quốc năm 1978. Chính việc đưa 14 tội phạm chiến tranh hạng A vào Tĩnh Quốc mà Nhật hoàng Hirohito đã quyết định không đến thăm đền này nữa! Rồi đương kim Nhật Hoàng Akihito cũng không đến Tĩnh Quốc.

Nhưng ông Koizumi là vị Thủ tướng Nhật đầu tiên sau 21 năm đã đến thăm Tĩnh Quốc! Bất chấp những chỉ trích của các nguyên thủ Trung Quốc, Hàn Quốc và những căng thẳng ngoại giao lẫn biểu tình ở hai nước ấy qua 5 lần thăm đền (trung bình mỗi năm một lần).

Ông Koizumi ngày 15-8 mới đây lại tới thăm Tĩnh quốc. Chuyến thăm lần thứ 6 này trở nên ầm ĩ chẳng phải là do có sự hộ tống của hàng trăm cảnh sát cùng máy bay trực thăng, chưa kể trực thăng của nhiều hãng truyền thông Nhật Bản và quốc tế, mà là do lần thăm thứ 6 này, đúng và trùng với ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, Ngày kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ II!

Đứng trong ngôi đền 10 phút, ông Koizumi để lại một bó hoa cúc trắng kèm hàng chữ Thủ tướng Junichiro Koizumi. Thiên hạ ầm lên đây là sự thách thức công khai những người phản đối Koizumi ngoài nước lẫn trong nước. Sự rầm rĩ chả phải chỉ ở hai nước láng giềng, mà tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất nước Nhật- tờ Yomiuri Shimbun, thống kê: có 49% số người được hỏi đã phản đối ...

Các cơ quan truyền thông trong nước đã nhiều lần nhận được thông báo báo của Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội biện giải về sự kiện những lần ngài Thủ tướng tiền nhiệm ông Abe là Koizumi, đi thăm đền Yasukuni. Xin trích ra đây một đoạn: "...Nếu coi việc Thủ tướng Nhật đi thăm đến là một cách đề cao chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ là cách nhìn sai lầm. TT Nhật Koizumi đã từng phát biểu: Việc Nhật Bản xâm lược và thống trị thuộc địa đã gây ra những mất mát và đau khổ lớn lao cho nhân dân nhiều nước, đặc biệt là nhân dân các nước Châu Á. Rồi trong diễn văn tại Hội nghị Á Phi, nhân 60 năm kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ II, ông Koizumi đã nhấn mạnh rằng, cần phải nhận thức sự thật lịch sử một cách đúng đắn và luôn khắc sâu trong lòng sự ăn năn hối lỗi".

Nhưng những lời này vẫn chưa đủ! Vẫn căng thẳng về ngoại giao. Có bận triệu cả đại sứ Nhật lên để phản đối. Rồi kể cả tẩy chay hàng hóa Nhật!

Còn vị Thủ tướng kế nhiệm Shinzu Abe thì sao? Ngày 4-8 vừa rồi, trước chuyến thăm đền của TT koizumi, ông Abe, khi đó còn là  Đổng lý nội các, đã lẳng lặng một mình đến Tĩnh Quốc. Ông Đổng lý không sử dụng xe của chính phủ và làm công đức bằng tiền riêng của mình. Mặc dù là chuyến thăm bí mật, nhưng cánh báo chí đã không buông tha ông. Tuy nhiên, ông Abe không cho biết khi làm Thủ tướng liệu ông có sẽ đi thăm ngôi đền này hay không...

... Tôi ngó quanh. Đám người tham quan muộn mằn hồi nãy đã vãn tự khi nào. Sáu đống lửa đã lụi. Thứ than đốt từ gỗ thông hay thứ gì đó thơm thơm hăng hăng cũng đã vạc dần... Tốp người áo trắng đã dừng thiền và đang lui cui dọn dẹp... Làn gió thu không hây hẩy như hồi nãy mà đâm hiu hiu và thoắt lành lạnh trong đám lá anh đào sẫm ố loang lổ trong ánh đèn. Hai triệu rưỡi linh hồn chứ ít a? Phần âm đây vốn thịnh lại cộng thêm thứ gió đêm kia nữa khiến tôi bất chợt rùng mình vội kéo chú em rời Tĩnh Quốc!

Thập thững trở ra cổng qua trụ Nghi Môn, chợt nghĩ ông Đại sứ Nhật tại Hà Nội Hattori Norio đã có lý khi dẫn lại lời cựu TT Koizumi rằng "cần phải nhận thức sự thật lịch sử một cách đúng đắn và luôn khắc sâu trong lòng sự ăn năn hối lỗi".

Hai quốc gia, nơi tân Thủ tướng Shizo Abe- người mà khi ứng cử đã hứa với quốc dân đồng bào Nhật là luôn chăm chỉ ở nhà, đã chủ động đến thăm đầu tiên, là Trung Quốc và Hàn Quốc. Hai nguyên thủ đầu tiên mà Abe gặp là Hồ Cẩm Đào và Roh Moo-hyun. Hai người ấy đã từng cự tuyệt không muốn giáp mặt một nguyên thủ Nhật nào suốt cả hàng năm trời sau sự cố ngôi đền nổi tiếng với tai tiếng này!

Kỳ II.  Hoàng hậu ngỏ lời xin lỗi vì bộ kimono...

MỚI - NÓNG