Điều gì xảy ra sau màn ‘khẩu chiến’ Mỹ-Triều?

Điều gì xảy ra sau màn ‘khẩu chiến’ Mỹ-Triều?
TPO - Bất chấp các màn “khẩu chiến” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, khả năng nổ ra cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên ở thời điểm hiện tại rất khó xảy ra. Tuy nhiên, Triều Tiên rất có thể “làm cái gì đó” để ghi dấu ấn vào ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 10/10.

Điều gì xảy ra sau màn ‘khẩu chiến’ Mỹ-Triều? ảnh 1

Mỹ - Triều tiếp tục “khẩu chiến”

Ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Donal Trump tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc khẩu chiến chưa có hồi kết giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trong hai đoạn tweet đăng chiều 7/10, ông Trump viết rằng: “Các Tổng thống Mỹ và chính quyền của họ đã đối thoại với Triều Tiên trong suốt 25 năm qua. Các thỏa thuận đã được kí và một khoản tiền cực lớn đã được chi trả”. “Tuy nhiên chúng đều không có tác dụng. Các thỏa thuận bị vi phạm trước khi chúng kịp khô mực, khiến những nhà thương thuyết trở thành trò cười. Xin lỗi nhưng sẽ chỉ có một thứ duy nhất có tác dụng với Triều Tiên”.

Tổng thống Trump không nêu rõ “thứ duy nhất” mà ông nhắc đến là gì. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng đây có thể là lời gợi ý cho thấy Tổng thống Mỹ đang cân nhắc các hành động quân sự.

Trong khi đó, phát biểu trong phiên họp của Ủy ban Trung ương Triều Tiên diễn ra ngay sau bình luận của Tổng thông Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh: “Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thành quả quý báu thu được từ cuộc chiến đấu đẫm máu của nhân dân nhằm bảo vệ vận mệnh và chủ quyền đất nước khỏi mối đe dọa hạt nhân của Mỹ. Chúng là biện pháp phòng vệ mạnh mẽ nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh của bán đảo Triều Tiên, của khu vực Đông Bắc Á”.

Theo Chủ tịch Kim, trong bối cảnh “tình hình quốc tế diễn biến phức tạp”, thì vũ khí hạt nhân sẽ giúp đảm bảo chủ quyền cũng như “quyền tồn tại” của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên gọi đây là “thanh kiếm quý giá của công lý giúp loại bỏ đám mây hạt nhân của chế độ chuyên chế”, “mang đến cho người dân một cuộc sống độc lập và hạnh phúc dưới bầu trời trong xanh”.

Theo RT, tuyên bố của Chủ tịch Kim được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bác bỏ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng.

Điều gì sẽ xảy ra sau các màn “khẩu chiến”?

Theo các chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, bất chấp các màn “khẩu chiến” giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim, khả năng nổ ra cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên ở thời điểm hiện tại rất khó xảy ra. Tuy nhiên, Triều Tiên rất có thể “làm cái gì đó” để ghi dấu ấn vào ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên 10/10.

Giới tình báo quân sự Hàn Quốc dự đoán Triều Tiên sẽ tiến hành một số hoạt động khiêu khích như phóng tên lửa nhằm đánh dấu lễ kỉ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, ngày 10/10.

Theo hãng tin BBC, những cuộc “khẩu chiến” mang đầy tính chất "đe dọa" được phát ra từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây đã làm leo thang đáng kể căng thẳng giữa hai nước, khiến nguy cơ nổ ra xung đột cao hơn bao giờ hết và những hy vọng về giải pháp ngoại giao dường như ngày càng trở nên xa vời.

Trong đó, tại Washington, một quan chức Mỹ cho biết đã có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể chuẩn bị cho một cuộc thử tên lửa trong ngày ngày 10/10, ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền hoặc một ngày sau kỳ nghỉ Columbus Day của Mỹ. 

Phát biểu tại một hội nghị tại Washington trong tuần qua, một nhà phân tích cấp cao của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói rằng chính quyền Triều Tiên có thể tiến hành một số hành động khiêu khích vào ngày 10/10, nhưng không nêu rõ đó là hình thức khiêu khích nào. 

Yong Suk Lee, Phó Trợ lý Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên của CIA, nói: “Mục tiêu hành động của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là rất rõ ràng. Tôi không cho rằng ông ta đã đạt được những mục tiêu đó. Trên thực tế, tôi đã nói với các nhân viên của tôi rằng ngày 10/10 là ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Bởi vậy hãy sẵn sàng chờ đợi”. 

Trong khi đó, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn Đại sứ Nga tại Triều Tiên cho biết phái đoàn của ông Anton Morozov- thành viên Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga đã có các cuộc họp “cấp cao” tại Bình Nhưỡng.

Ông Morozov ngày 6/10 tiết lộ: “Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành các cuộc thử nghiệm mới với tên lửa tầm xa, thậm chí họ còn cho chúng tôi xem các phép tính toán học mà họ tin rằng là minh chứng cho thấy tên lửa của họ có thể tấn công bờ biển phía Tây nước Mỹ.”

Trung Quốc - đồng minh chính của Triều Tiên - đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng. Ngày 7/10, phản ứng trước việc giải Nobel Hòa bình được trao cho tổ chức mang tên Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), Trung Quốc nói rằng họ ủng hộ lệnh cấm vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc vẫn luôn ủng hộ một lệnh cấm toàn diện vũ khí hạt nhân, song cũng cho rằng mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân không thể đạt được chỉ sau một đêm và phải được thúc đẩy dần dần theo cơ chế giải trừ vũ khí hiện nay. Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với tất cả các bên để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã dâng cao trong những tuần gần đây kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và bom nhiệt hạch hôm 3/9. Bình Nhưỡng và Washington cũng đưa ra những lời lẽ công kích lẫn nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này hăm dọa Mỹ. Chủ tịch Kim Jong-un đã đáp trả bằng cách gọi ông Trump là người có vấn đề tâm thần và nói rằng ông ta sẽ phải trả giá đắt cho những lời đe dọa này.

MỚI - NÓNG