Đổ lỗi cho nhau

TP - Một nhóm các nhà lãnh đạo thế giới đang kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện và độc lập về MH17 do Liên Hợp Quốc (LHQ) lãnh đạo. Việc đổ lỗi cho nhau bùng lên, đổ thêm dầu vào mồi lửa căng thẳng trước đó giữa Nga và phương Tây.

Theo Wall Street Journal, Anh đề nghị LHQ dẫn đầu cuộc điều tra để đưa thủ phạm ra trước công lý. Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức cuộc họp khẩn ngày 18/7 để thảo luận sự kiện MH17.

Khẩu chiến 


Chính quyền Ukraine ngay lập tức quy trách nhiệm cho Nga và phe ly khai miền đông là thủ phạm gây ra tấn thảm kịch MH17, gọi đây là “hành động khủng bố”. Kiev cho rằng, máy bay bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không Buk do Nga sản xuất. 

Washington Post dẫn lời lãnh đạo an ninh Ukraine Valentyn Nalyvaichenko nói rằng, họ thu được các cuộc gọi được cho là giữa lực lượng ly khai và đặc vụ Nga, theo đó nhóm chiến binh ly khai thông báo đã bắn rơi một máy bay dân sự. 

Nhiều người thắc mắc, trước đây, cả tình báo Mỹ và Ukraine đều không biết gì về kế hoạch thu hồi Crimea của Nga, nhưng nay bỗng dưng xuất sắc chặn được hội thoại của tình báo Nga và phe ly khai để nhanh chóng công bố? Trong khi đó, phe ly khai khẳng định, họ chỉ có các tên lửa phòng không tầm bắn 3.000-4.000m, không thể với tới độ cao 10.000m của MH17. 

Ông Sergei Kavtaradze, một trong các lãnh đạo ly khai ở khu vực Donetsk, nói với Interfax: “Đơn giản là chúng tôi không có các hệ thống phòng không loại này”. Nga tuyên bố, chỉ có các hệ thống tên lửa như S-300, Buk-M1 mới có khả năng đạt đến độ cao 10.000m và quân đội Ukraine có những hệ thống như vậy. Ukraine trước đó tuyên bố quân đội nước này không tấn công MH17.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, quân đội Ukraine đã triển khai ít nhất 27 bệ phóng tên lửa đất đối không Buk-M1 đến miền đông và một đơn vị trong số đó triển khai gần khu vực MH17 bị bắn rơi. Buk-M1 có khả năng phát hiện mục tiêu bay trong phạm vi 160km, ở độ cao 11.000-25.000m và tấn công mục tiêu trong tầm bắn hơn 30km. 

Ông Aleksey Komarov thuộc Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, gần đây, quân đội Ukraine triển khai nhiều loại tên lửa tại Donetsk. Theo tình báo Mỹ, MH17 bị tên lửa đất đối không bắn trúng, nhưng chưa thể khẳng định thủ phạm là ai. 

Giới truyền thông và chuyên gia an ninh quốc tế nêu ra một số giả thiết khác. Interfax dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng, chuyên cơ của Tổng thống Nga Vladimir Putin công du Nam Mỹ trở về và MH17 gần như cùng đi qua một lộ trình, cùng một độ cao trước khi thảm kịch xảy ra. 

“Máy bay của Tổng thống đi qua khu vực đó lúc 16h2, còn máy bay Malaysia đi qua lúc 15h44 (giờ Mátxcơva). Xét về kích cỡ, màu sắc, nhìn ở tầm xa, chúng gần như y hệt”, nguồn tin nói. 

Những người theo thuyết âm mưu đặt câu hỏi: Phải chăng tồn tại một ý đồ nào đó nhằm vào ông Putin nhưng lại nhầm mục tiêu? Một tờ báo Nga dẫn nguồn tin của nhân viên kiểm soát không lưu người Tây Ban Nha nói rằng, vài phút trước khi MH17 rơi, xuất hiện hai máy bay chiến đấu Ukraine áp sát chiếc máy bay Malaysia. Bộ trưởng Quốc phòng của nước cộng hòa tự xưng Donetsk, ông Igor Strelkov, cho rằng, MH17 đã bị máy bay tiêm kích Ukraine bắn hạ. 

Nhiều người thắc mắc, trước thảm kịch MH17, mỗi ngày có tới 300 chuyến bay thương mại đi qua không phận phía đông Ukraine, đa số chuyến bay liên lục địa Á-Âu đều tránh khu vực đang xảy ra chiến sự, vậy tại sao máy bay Malaysia lại chọn hay “được hướng dẫn” bay qua vùng nguy hiểm trên? 

Mặc dù sự thật còn chưa sáng tỏ, song Mỹ và phương Tây đã chỉ trích Nga cực kỳ dữ dội. Nhà Trắng cho rằng, việc Nga ủng hộ lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine dẫn tới vụ máy bay Malaysia bị bắn rơi. 

Theo Reuters, phát biểu trước Quốc hội Úc hôm 18/7, Thủ tướng Úc Tony Abbott (trong số 298 nạn nhân trên MH17 có 27 người Úc) quy trách nhiệm cho phe ly khai ở Ukraine được Nga hậu thuẫn đã bắn hạ chiếc máy bay. 

Đại sứ Nga tại Úc đã bị triệu tập để chất vấn về vụ việc. Úc còn yêu cầu được trực tiếp tới hiện trường máy bay rơi để điều tra. Vụ MH17 cũng phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới, khi Úc dự kiến tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo thế giới khác. 

Thủ tướng Canada Stephen Harper cho rằng, dù chưa thể xác định ai chịu trách nhiệm cho thảm kịch này, Nga vẫn là “gốc rễ của cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine”. 

Đề nghị ngừng bắn, điều tra quốc tế

Theo Tổng thống Nga Putin, căn nguyên của thảm kịch này xuất phát từ chiến dịch quân sự của Ukraine. Ông gửi lời chia buồn sâu sắc đến Malaysia, đồng thời ra lệnh cho giới chức quân sự “cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để làm sáng tỏ hành vi tội ác này”. Nga sẽ làm tất cả để “có một bức tranh khách quan” về tấn thảm kịch MH17, đồng thời đề nghị điều tra thấu đáo vụ việc. 

Washington Post nhận định, căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ leo thang sau thảm họa này. Một số nhà lãnh đạo châu Âu trước đó vốn không ủng hộ trừng phạt Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine nay có thể đánh giá lại quan điểm. 

Mỹ yêu cầu quân đội Ukraine và phe ly khai lập tức ngừng bắn để tạo điều kiện cho cuộc điều tra nguyên nhân MH17 bị bắn hạ. Trong thời điểm này, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo các bằng chứng ở hiện trường không bị phá hủy. 

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu lập tức tổ chức cuộc họp truyền hình với phe ly khai thân Nga. Lực lượng này đã cam kết đảm bảo an toàn cho các chuyên gia quốc tế đến điều tra ở hiện trường vụ thảm họa, đồng ý hợp tác với chính quyền Ukraine để điều tra. 

Một thủ lĩnh ly khai ở Donetsk tuyên bố sẽ sớm đàm phán với chính quyền Kiev về việc thực hiện cuộc điều tra. Hôm qua, khoảng 30 điều tra viên quốc tế đã bay đến địa điểm MH17 rơi, BBC đưa tin.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.