Đoàn kết trước thách thức an ninh

Đoàn kết trước thách thức an ninh
TP - Nhân dịp kỷ niệm 46 năm thành lập ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2013) và 18 năm Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh ngày 8/8 trao đổi với Tiền Phong về những thách thức an ninh khu vực mà 10 quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt.

> Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện
> Giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển Đông

Xin Thứ trưởng cho biết ASEAN đang đối mặt những thách thức nào trong việc bảo đảm an ninh, đặc biệt trong tình hình biển Đông hiện nay? Làm sao để giải quyết được những thách thức đó?

Đối với vấn đề biển Đông, ASEAN đã có một lập trường chung, thống nhất, gần đây nhất là biểu hiện trong Tuyên bố 6 nguyên tắc của ASEAN thông qua vào tháng 7/2012. Các nguyên tắc này của ASEAN đều được tất cả các nước đồng tình ủng hộ.

 Việt Nam đã trực tiếp tham gia đóng góp cho những văn kiện có tính chiến lược lâu dài của ASEAN, tạo ra nền tảng cho ASEAN đi vào cộng đồng và phát triển trong những năm tiếp theo, đồng thời mở rộng quan hệ của ASEAN với các đối tác.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh

Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển Đông liên quan chặt chẽ đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực này. Cho nên, tất cả các nước, không chỉ các nước có tranh chấp với nhau, phải thực hiện kiềm chế, phải xây dựng nền hòa bình, đóng góp vào mục tiêu chung này. Bên cạnh đó, phải tuân thủ các quy tắc ứng xử, các nguyên tắc đã được đề ra, được thỏa thuận. Đó là giải quyết hòa bình các tranh chấp, phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Hơn nữa, cần thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2012. Bối cảnh tình hình khu vực liên quan đến biển Đông hiện nay có một số diễn biến tích cực như các cuộc đối thoại, trao đổi và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng vẫn còn những diễn biến và tình hình phức tạp ở biển Đông.

Các nước ASEAN đã chia sẻ với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, phải nhất trí việc quản lý và phục vụ tốt hơn cho môi trường hòa bình và ổn định nói chung và an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông nói riêng. Các bên, đặc biệt là ASEAN và Trung Quốc, phải sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: Trúc Quỳnh
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Phải có quy chế giải quyết vi phạm COC

Làm sao để ASEAN bảo đảm tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực nói chung, biển Đông nói riêng?

Tôi cho rằng cần có mấy nhiệm vụ. Không chỉ ASEAN mà tất cả các nước phải cùng ủng hộ các nguyên tắc, mục tiêu mà ASEAN đã thống nhất, chia sẻ với các nước khác để các nước khác cùng thực hiện như vậy. ASEAN, với tư cách là hạt nhân trong hòa bình, ổn định trong khu vực, cần phải có tiếng nói chủ động tích cực của mình mỗi khi có vấn đề nảy sinh để định hướng cho hợp tác trong khu vực vì mục tiêu chung.

Chúng ta đã thấy giá trị rất to lớn của DOC nhưng chưa đủ, nên nhu cầu cấp thiết là phải sớm đàm phán COC. Theo quan điểm của ASEAN, bộ quy tắc này phải được xây dựng trên những quy định, nguyên tắc của DOC, nhưng không dừng lại ở đó, mà phải được nâng cao hơn, đặc biệt trong các yếu tố sau.

Trong chặng đường liên kết của mình, hội nhập kinh tế là một điểm sáng trong xây dựng Cộng đồng ASEAN. ASEAN đã cơ bản xóa các rào cản thuế quan trong giao lưu hàng hóa trong khu vực. Dự kiến đến 2015, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều xóa bỏ thuế quan.

Thứ nhất, ASEAN rất mong có bộ quy tắc trong tương lai có tính cam kết chính trị cao và có giá trị ràng buộc, nhất là ràng buộc pháp lý. Thứ hai, phải lấy lại được những nguyên tắc tích cực, căn bản đã được đề ra trong DOC, chẳng hạn như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nhưng đồng thời cũng phải bổ sung những quy định cụ thể hơn, có cơ chế ngăn ngừa được những rủi ro hay xung đột có thể xảy ra. Và phải có quy chế giải quyết vi phạm đối với bộ quy tắc ứng xử trong tương lai.

Tất cả những điều này ASEAN đã bàn với nhau từ năm 2011 đến nay và cơ bản hình thành định hướng, những thành tố mà ASEAN đã chia sẻ với Trung Quốc và các nước khác. Tôi hy vọng với thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc vào tháng 7 vừa rồi về việc tiến tới tham vấn chính thức về COC ở cấp quan chức cấp cao, ASEAN sẽ tiếp tục đoàn kết nỗ lực thúc đẩy thông qua bộ quy
tắc này.

Tuân thủ nguyên tắc đồng thuận, tham vấn sâu

Xin ông cho biết ASEAN có phải đối mặt thách thức nội khối nào trong việc duy trì mục tiêu bảo đảm an ninh chung trong
khu vực?

Nếu chúng ta nhìn tổng thể 46 năm hình thành và phát triển của ASEAN, đặc biệt khi ASEAN sắp bước vào Cộng đồng trên 3 trụ cột chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và mở rộng quan hệ đối tác thì có nhiều thách thức. Trong những năm gần đây, các nước đối tác, nhất là những nước lớn đều coi trọng ASEAN, đều mong muốn vào khu vực này hợp tác với ASEAN. Điều này tạo ra nhiều thuận lợi cho ASEAN khi chúng ta có thể tranh thủ các nguồn lực và sự ủng hộ chính trị cho những mục tiêu chung của ASEAN, đặc biệt là mục tiêu xây dựng cộng đồng.

Tuy nhiên, khi các nước lớn vào khu vực, họ cũng có những lợi ích riêng, và những lợi ích riêng đó tạo ra nhiều thách thức cho ASEAN trong việc duy trì vai trò chủ đạo của mình. Giữa các nước lớn với nhau có thể hợp tác hoặc cạnh tranh. Do đó, làm sao ASEAN định hướng được những hợp tác, cạnh tranh đó không trái với các mục tiêu, tiêu chí của ASEAN.

Trong câu chuyện biển Đông, khi đã có định hướng rồi, mục tiêu rồi thì việc phải xử lý các vụ việc thực tế như thế nào cũng đòi hỏi hoạt động tham vấn sâu rộng. Vì thế, điều quan trọng là ASEAN phải đảm bảo, tuân thủ nguyên tắc, phương pháp làm việc đã đề ra, quan trọng nhất là nguyên tắc đồng thuận và tham vấn sâu. Ngoài ra, ASEAN phải hướng tới mục tiêu chung mà mình đã đề ra, đã cam kết. Để đạt được những mục tiêu đó, một kinh nghiệm rất quý báu của ASEAN là kết hợp lợi ích quốc gia với lợi ích của ASEAN để chúng ta cùng đi chung trên một con đường đã đề ra trong Hiến chương và các thỏa thuận.

Cảm ơn ông.

TRÚC QUỲNH
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG