Đoàn tàu hạt nhân Nga đối phó lá chắn tên lửa Mỹ

Đoàn tàu tử thần chở tên lửa RT-23 cũ của Nga. Ảnh: Wikicommón
Đoàn tàu tử thần chở tên lửa RT-23 cũ của Nga. Ảnh: Wikicommón
Mang 6 tên lửa đạn đạo chứa 24 đầu đạn nhiệt hạch, đoàn tàu hạt nhân Barguzin của Nga có thể là đòn đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa mới kích hoạt của Mỹ ở châu Âu.

Hôm 12/5, Mỹ và NATO kích hoạt lá chắn phòng thủ tên lửa tại một căn cứ không quân ở Deveselu, Romania, trong khi một hệ thống tương tự cũng đang được xây dựng tại Ba Lan, khiến Nga nổi giận và tuyên bố có quyền tiến hành các biện pháp đáp trả. Các chuyên gia quân sự cho rằng, một trong các biện pháp như vậy là hồi sinh các đoàn tàu tên lửa chiến lược Barguzin, theo Sputnik.

Đoàn tàu hạt nhân Barguzin có nguồn gốc từ Tổ hợp Tên lửa Tác chiến trên Đường sắt (BZhRK) được Liên Xô chế tạo vào năm 1969 nhằm vận chuyển và phóng các tên lửa hạt nhân chiến lược đối phó với các hạm đội tàu ngầm hạt nhân uy lực của Mỹ. 

Tương tự các tàu ngầm hạt nhân, những con tàu này rất khó bị xóa sổ trong đòn tấn công phủ đầu của đối phương bởi khả năng cơ động và ngụy trang tinh vi giống như các tàu chở hàng. Các đoàn tàu này di chuyển trên mạng lưới đường sắt rộng lớn của Liên Xô, với hình thức khá giống tàu chở hàng thông thường, khiến việc giám sát bằng vệ tinh trở nên vô vọng. Vì lẽ đó, các hệ thống BZhRK còn được gọi là "đoàn tàu tử thần" hoặc "tàu ma".

Theo trang Gnomeplanet.com, một đoàn tàu hạt nhân BZhRK thường có 11 toa, trong đó có 7 toa dành cho trung tâm chỉ huy, ba toa để điều khiển và phóng tên lửa, còn một toa chứa nhiên liệu và động cơ.

Bên trong toa phóng là các tên lửa RT-23 Molodets (NATO định danh SS-24 Scalpel), có trọng lượng 126 tấn, dài 23 m , đường kính 2,4 m, chứa 10 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hơn 10.000 km được thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo dày đặc của đối phương.

Video đoàn tàu hạt nhân chứa tên lửa RT-23 Molodets của Liên Xô

Theo các nguồn tin báo chí Nga, Liên Xô có tất cả 12 đoàn tàu hạt nhân, mỗi tàu chứa ba tên lửa RT-23. Đoàn tàu hạt nhân BZhRK đầu tiên được đưa vào biên chế năm 1987. Tuy nhiên, các đoàn tàu này đã bị dỡ bỏ chức năng chiến đấu sau khi Nga và Mỹ ký Hiệp ước Cắt giảm Kho vũ khí Chiến lược (START-2) năm 1993 và cuối cùng bị loại khỏi biên chế hoàn toàn năm 2007.

Năm 2014, Nga quay lại sản xuất các "đoàn tàu tử thần" trang bị tên lửa đạn đạo sử dụng công nghệ cao hơn khiến chúng khó phát hiện hơn và đặt cho chúng mật danh là Barguzin.

"Những đoàn tàu mới không cần các toa xe lớn và hoàn toàn khớp với các thông số toa xe hiện nay, giúp chúng tránh khỏi các hoạt động trinh sát và giám sát của kẻ thù. Ngoài ra, khác với hệ thống cũ đòi hỏi các điều kiện phóng đặc biệt, đoàn tàu này có thể phóng tên lửa ở mọi nơi trên đường sắt", Viktor Murakhovsky, một quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nói.

Đoàn tàu Barguzin có thể mang theo 6 tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars (tính năng tương đương tên lửa Bulava phóng từ tàu ngầm) và có thể chống chịu được một đầu đạn hạt nhân phát nổ chỉ cách xa vài trăm mét. Tàu này có thể tự hoạt động trong vòng một tháng và chạy 1000 km mỗi ngày với vận tốc gần 100 km/h.

Theo một nguồn tin quân sự Nga giấu tên tiết lộ với RT, đoàn tàu Barguzin được ngụy trang thành các tàu hàng đông lạnh. Do trọng lượng tên lửa Yars gần bằng một nửa so với các tên lửa Molodets nên các toa tàu không cần gia cố bằng khung thép, giúp chúng có hình dáng bình thường và khó nhận biết hơn ngay từ trên mặt đất.

Theo chuyên gia Tyler Rogoway của Foxtrotalpha, đoàn tàu hạt nhân mới của Nga giống với một tàu ngầm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân trên mặt đất dù chi phí vận hành thấp hơn nhiều. Khả năng di chuyển liên tục của chúng giúp tăng mức độ sống sót và trở thành lực lượng răn đe tấn công trả đũa trên mặt đất đáng tin cậy của Nga.

Được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử tối tân và công nghệ tàng hình tiên tiến, đoàn tàu Barguzin có thể triển khai ra vị trí khai hỏa trong vòng vài phút. Tên lửa RS-24 chỉ mang được bốn đầu đạn hạt nhân với tổng sức công phá 0,4 -1,2 Megaton, nhỏ hơn nhiều so với sức công phá 5,5 Megaton từ 10 đầu đạn hạt nhân của tên lửa cũ RT-23, nhưng lại có độ chính xác và tầm bắn lớn hơn.

Đoàn tàu hạt nhân Nga đối phó lá chắn tên lửa Mỹ ảnh 1

Tổng thống Putin bên cạnh một hệ thống tên lửa Nga. Ảnh: AP

Với 6 quả tên lửa RS-24, mỗi quả chứa 4 đầu đạn hạt nhân, đoàn tàu Barguzin mang theo tổng cộng 24 đầu đạn, đủ sức xóa sổ một thành phố lớn trong một cuộc tấn công. RS-24 là một trong những tên lửa đạn đạo nhanh nhất thế giới, có vận tốc tối đa hơn Mach 20, khiến tỷ lệ thành công của các loại tên lửa đánh chặn là rất thấp.

Tên lửa RS-24 cũng bộc lộ ít dấu vết hồng ngoại hơn, khiến các vệ tinh cảnh báo sớm khó phát hiện và bám bắt chúng. Tên lửa này cũng có các hệ thống mồi nhử tối tân của Nga để đánh lừa lá chắn tên lửa của Mỹ. Đầu đạn của tên lửa RS-24 có bán kính sai lệch chỉ gần 46 m sau khi hành trình hơn 12.000 km đến mục tiêu, đáp ứng các tiêu chuẩn về độ chính xác.

Về tổ chức, mỗi đoàn tàu Barguzin có biên chế tương đương một trung đoàn Tên lửa Chiến lược (RSVN) độc lập. Đoàn tàu hạt nhân Barguzin đầu tiên nhiều khả năng sẽ được biên chế vào năm 2019 và Nga hy vọng chúng sẽ phục vụ ít nhất là đến năm 2040.

Với việc Nga gần đây dành rất nhiều tiền để phát triển và duy trì các lực lượng không quân và tàu ngầm hạt nhân cũng như các lực lượng hạt nhân mặt đất, nhiều khả năng Moscow sẽ coi các đoàn tàu hạt nhân Barguzin là lực lượng răn đe hạt nhân ở tuyến đầu, Rogoway nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.