Doanh nhân Mỹ gửi thư ngỏ cho Tổng thống Bush

Doanh nhân Mỹ gửi thư ngỏ cho Tổng thống Bush
TP - Ông Anthony D. Salzman, Chủ tịch tập đoàn chuyên cung cấp máy công nghiệp của Mỹ V-Trac Group, gần 15 năm kinh doanh tại Việt Nam và là bạn học cùng trường Đại học Yale danh tiếng với Tổng thống Mỹ George Bush.
Doanh nhân Mỹ gửi thư ngỏ cho Tổng thống Bush ảnh 1
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ Bush tại Nhà Trắng tháng 6/2005

Ông Anthony vừa có bức thư ngỏ với những lời đầy tâm huyết gửi Tổng thống Bush trước khi ông sang thăm Việt Nam. Tiền phong dịch và giới thiệu bức thư này.

Thưa Tổng thống,

Khi ông đang chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào tháng tới nhân Hội nghị các nàh lãnh đạo kinh tế APEC, cho phép tôi được là người đầu tiên chào đón ông trước.

Tôi đã sống và làm việc ở đây từ năm 1992, khi mà những suy nghĩ về việc một Tổng thống đương nhiệm tới thăm vùng đất này là chuyện không thể tưởng tượng. Như ông biết khá rõ, chúng ta đã gây ra những điều tồi tệ ở đây 40 năm trước.

Ngày nay, chúng ta có cơ hội để làm những việc đúng đắn hơn. Tôi không nói về việc sửa chữa. Tôi đang nói về kinh tế, về những cơ hội ở một thị trường đang bùng nổ và cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ vươn lên đứng đầu.   

Vì rằng APEC là một diễn đàn kinh tế, tôi chắc rằng các nhân viên đã cho ông biết những điều đặc biệt: Rằng Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai thế giới; rằng có 84 triệu dân ở đây, số người biết chữ là 93% và lợi thế về lương thấp bằng 2/3 so với Trung Quốc; rằng Intel đang xây dựng nhà máy lớn nhất của họ gần TPHCM; rằng Việt Nam hiện là đối thủ chính của Brazil trong lĩnh vực cà phê; rằng các khoản tài chính được gia tăng ở London và Zurich để đầu tư vào nhiều doanh nghiệp nhà nước đang được tư hữu hóa.

Một thị trường mới hấp dẫn đối với các sản phẩm và ngành sản xuất của Mỹ là điều chắc chắn. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thể đến sớm.

Tuy nhiên, như một cựu sinh viên Đại học Yale, tôi chắc rằng ông sẽ nhận thức một cách sâu sắc hơn và tìm ra phương cách mới vì những lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. 

Ông và các doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam với càng nhiều câu hỏi, chuẩn bị để lắng nghe và học hỏi, thì lợi ích của Mỹ càng được thỏa mãn nhiều hơn.

Người Việt Nam giờ đây đã sống tốt hơn nhiều, để lại phía sau cuộc chiến giữa hai nước chúng ta. Khoảng một nửa dân số Việt Nam được sinh sau chiến tranh. Đối với họ và các cựu chiến binh Việt Nam, chiến tranh đã lùi xa trong quá khứ. Nhưng tại Mỹ vẫn còn một số người hằn học vì sự thất bại của chúng ta ở đây.

Tôi không hết ngạc nhiên bởi phát biểu của một số quan chức Chính phủ Mỹ, những người tin rằng Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa trên vấn đề nhân quyền và MIA (tìm kiếm người Mỹ mất tích) trước khi trao Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).

Tôi sống ở đây. Vấn đề nhân quyền là thách thức ở mọi nơi, ở Việt Nam không nhiều hơn so với những nước khác mà Mỹ đã trao PNTR. Làm ơn hãy nói với các thành viên trong đảng của ông, những người đang đào xới vấn đề nhân quyền và MIA vì lợi ích chính trị của chính họ.

Những cơ hội nào người Mỹ sẽ bỏ lỡ ở Việt Nam bởi vì các chính trị gia quá bận rộn với mùa bầu cử đến mức không có đủ thời gian để tạo ra nền tảng quan trọng cho việc cạnh tranh kinh tế ở nước ngoài?

Không muốn trở lại Việt Nam như “Người Mỹ trầm lặng”

Làm ơn chuyển lời tới các nhà đàm phán đặc biệt của ông, những người nên hiểu rằng đàm phán với người Việt Nam cần phải dũng cảm hơn nữa. Ví dụ, sự khác nhau về tài sản giữa hai quốc gia (lương một quan chức Việt Nam có thể chỉ khoảng 100 USD/tháng) dẫn tới việc thời gian trên bàn đàm phán có giá trị hơn nhiều đối với người Mỹ.

Tôi cũng có chiến lược riêng của mình trong đàm phán: Tôi mang theo bộ pijama để chứng tỏ rằng mình sẽ ở đây cả đêm nếu cần thiết. Tuy nhiên, có lẽ điều này không thực tế đối với các nhà đàm phán của ông rằng kiên nhẫn trên bàn đàm phán sẽ thu được kết quả tốt nhất.

Tôi lại cho rằng kiên nhẫn cho kết quả ngược lại. Vì thế cần nỗ lực hết mức để kết thúc đàm phán càng sớm càng tốt, trước khi các nhà đàm phán chủ chốt của ông chuyển sang vị trí mới.

Tại một thị trường đang bùng nổ như Việt Nam, người Mỹ cũng cần phải thừa nhận rằng nhãn hiệu của chúng ta chưa được biết đến nhiều ở đây. Coca-cola?  Có. Nhưng đây là một thị trường đã đóng cửa với hầu hết nhãn hiệu của Mỹ trong 30 năm qua.

Khi tôi lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm Caterpillar (các loại xe và phương tiện phục vụ cho xây dựng nổi tiếng ở Mỹ-PV) tới Việt Nam, họ đã nghĩ rằng tôi kinh doanh thức ăn gia súc.

Vậy mà nay Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á, nơi Caterpillar được bán nhiều hơn cả Komatsu. Tuy nhiên, để làm được điều đó, tôi đã mất nhiều năm hòa nhập với nền văn hóa Việt Nam. Tôi học tiếng Việt và tôi tiếp tục học từ người dân ở đây.

Đối với nhiều doanh nhân ở Mỹ, chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11 của ông là bước đi đầu tiên xuống cùng một con đường này. Chúng tôi không muốn trở lại Việt Nam như những “Người Mỹ trầm lặng”, nhưng sẽ có lợi hơn nhiều trong chương mới này khi chúng ta là “Người Mỹ lắng nghe”.

Trân trọng
Anthony Salzman

MỚI - NÓNG