Đòi 100 triệu USD tiền chuộc trước khi giết nhà báo Mỹ

Bố mẹ nhà báo Foley nghẹn ngào sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: New York Times
Bố mẹ nhà báo Foley nghẹn ngào sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: New York Times
TP - Trước khi chặt đầu nhà báo James Foley, thành viên lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq đòi 100 triệu USD tiền chuộc, nhưng khác nhiều nước châu Âu, Mỹ từ chối chi tiền cho khủng bố, báo Mỹ The New York Times đưa tin. Đặc nhiệm Mỹ từng thực hiện chiến dịch giải cứu ông Foley, nhưng bất thành.

Ông Philip Balboni, người điều hành trang tin điện tử GlobalPost (nơi ông Foley làm phóng viên tự do), nói rằng, những kẻ bắt giữ ông Foley đã đòi gia đình và GlobalPost trả 100 triệu USD tiền chuộc. 


Giới chức Mỹ ngày 21/8 cho biết, hồi tháng 7, Mỹ điều hàng chục lính đặc nhiệm tinh nhuệ cùng trực thăng, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu tới Syria để giải cứu một số công dân Mỹ, trong đó có ông Foley.

“Thật không may, chiến dịch không thành công vì các con tin không có mặt ở đó”, bà Lisa Monaco, Trợ lý Tổng thống Mỹ về an ninh nội địa và chống khủng bố, thông báo. Chiến dịch giải cứu không có sự phối hợp với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, “cả thế giới kinh hoàng” vì vụ xử tử nhà báo Foley. Ngày 21/8, báo Mỹ Wall Street Journal dẫn lời Tổng thống Obama tuyên bố: “Một tổ chức như IS không có chỗ trong thế kỷ 21”. Ông cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến chống IS, đồng thời hối thúc các đồng minh và đối tác gia nhập lực lượng chung để đánh bại IS. Ngay sau phát biểu của ông Obama, quân đội Mỹ tiếp tục không kích phiến quân IS ở Iraq. 

Thủ tướng Anh David Cameron hôm 20/8 nói “rất có khả năng” kẻ đeo mặt nạ chặt đầu nhà báo Foley là một công dân Anh. Ông Cameron nói chính phủ Anh sẽ “nỗ lực gấp đôi” để ngăn cản các công dân Anh tới chiến đấu ở Iraq và Syria. 

Tổng thống Indonesia Susilo Yudhoyono nói rằng, hành vi của IS là sự xấu hổ và nhục nhã đối với đạo Hồi. Thủ tướng Úc Tony Abbott gọi IS là “ác quỷ”; Úc ước tính khoảng 150 công dân nước này đã gia nhập các tổ chức cực đoan ở Syria. 

Phiến quân IS dọa sẽ hành quyết ít nhất 3 con tin khác (trong đó có nhà báo tự do Steven Sotloff làm việc cho tạp chí Time, bị giam giữ cùng ông Foley), nếu các đòi hỏi của chúng không được đáp ứng.

Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, khoảng 20 nhà báo được cho là đang mất tích tại Syria, đa số nằm trong tay IS. Ngoài 3 người Mỹ, IS còn giam giữ một số công dân Anh - nước cũng từ chối trả tiền chuộc như Mỹ.

Ngoài tiền chuộc, IS còn đòi phóng thích Aafia Siddiqui - một chuyên gia thần kinh học người Pakistan từng được đào tạo tại Mỹ, hiện ngồi tù ở bang Texas.

Bắt cóc các công dân châu Âu đã trở thành nguồn thu nhập chính của al-Qaeda và các chi nhánh của mạng lưới khủng bố này. Theo điều tra của Time (Mỹ), chúng đã kiếm được ít nhất 125 triệu USD tiền chuộc trong 5 năm qua. Trong khi chính phủ Mỹ và các quan chức chống khủng bố cho rằng, việc trả tiền chuộc chỉ khiến vấn đề kéo dài, thậm chí trầm trọng hơn.

MỚI - NÓNG