Đối ngoại bảo vệ chủ quyền

Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác đối ngoại địa phương 2014-2015 do Bộ Ngoại giao và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức ngày 27/1. Ảnh: Trúc Quỳnh
Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác đối ngoại địa phương 2014-2015 do Bộ Ngoại giao và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức ngày 27/1. Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Ngày 27/1, tại Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác đối ngoại địa phương 2014-2015, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các địa phương có nhiều đóng góp vào thành tựu đối ngoại chung của đất nước, góp phần quan trọng trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Các tỉnh đã phối hợp tốt với Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ người lao động ở Libya và Ukraine về nước, đưa tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ trở về an toàn. Đồng thời, hỗ trợ pháp lý cho tàu cá địa phương khai thác thủy sản thuộc vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu nước ngoài cản trở; nghiên cứu quy định của các nước trong vùng biển tiếp giáp về kiểm tra xử phạt đối với tàu cá nước ngoài để giúp chủ tàu, ngư dân cảnh giác, tránh đi lại trong vùng biển có tranh chấp, giải quyết kịp thời các vụ bảo hộ ngư dân ngay tại cấp tỉnh… 

Một số tỉnh như Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang… duy trì hợp tác, trao đổi đoàn với các đối tác Trung Quốc, hỗ trợ phía bạn khắc phục hậu quả thiên tai ngay cả thời điểm khó khăn nhất của quan hệ hai nước. Một số địa phương đã tích cực phối hợp liên ngành xử lý ổn thỏa nhiều vụ việc phức tạp về biên giới lãnh thổ như: xây kè ảnh hưởng dòng chảy và chưa di dời mồ mả tại Lai Châu; nhập cảnh trái phép; xử lý vấn đề di cư tự do của đồng bào Mông ở Hà Giang; nạn buôn lậu ở Điện Biên, Thanh Hóa… 

Xử lý vấn đề nhập cảnh, lao động trái phép

Báo cáo tại Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác đối ngoại địa phương, đại diện tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay có tình trạng một số nhóm người Campuchia sống lang thang, xin tiền ở các giao lộ của tỉnh, khiến địa phương gặp khó trong việc bảo đảm an ninh trật tự.

Tỉnh chuyển về Campuchia 74 người năm 2013 và 57 trường hợp năm 2014. Về vấn đề này, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao cho biết sẽ trao đổi với chính quyền Campuchia để ngăn chặn tình trạng này tái diễn. Ủy ban cũng đề nghị tỉnh Tiền Giang thực hiện tốt quy chế quản lý biên giới, phát hiện sớm các trường hợp và trao trả theo thỏa thuận hai bên đã đạt được. 

Tại Hội nghị, đại diện tỉnh Hà Giang nói rằng, những năm gần đây, số lao động tự do của tỉnh sang Trung Quốc tìm việc làm có xu hướng tăng, gây khó khăn cho công tác quản lý của cả hai bên, làm nảy sinh nhiều phức tạp ở khu vực biên giới. Năm 2011, Hà Giang có 6.170 lượt người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc. Con số này tăng lên 11.898 lượt người năm 2012, trên 15.000 lượt năm 2013 và hơn 20.000 lượt năm 2014.

Thực tế này dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, tranh chấp giữa chủ sử dụng lao động và người lao động khó giải quyết do không có hợp đồng lao động; tội phạm biên giới lợi dụng để buôn bán người gia tăng; thông qua các hoạt động lao động để kết hôn, định cư trái pháp luật. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Hà Giang mà còn của các tỉnh biên giới nói chung.

Hà Giang đã rà soát, điều tra các hộ tại 7 huyện biên giới có người sang Trung Quốc làm việc tự do, khảo sát mức sống của họ để làm cơ sở đề xuất biện pháp quản lý phù hợp hơn… Tỉnh Hà Giang và chính quyền châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã ký thỏa thuận quản lý lao động, triển khai các biện pháp tăng cường an ninh biên giới, hướng dẫn người dân làm thủ tục xuất nhập cảnh... 

Về công tác bảo hộ công dân, đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã và đang tích cực làm việc với các cơ quan liên quan để đưa ngư dân bị phía Indonesia tạm giữ sớm về nước. Trong 3 tháng đầu năm 2014, Bà Rịa - Vũng Tàu có 6 tàu cá với 150 ngư dân vi phạm vùng biển của Indonesia.

Các ngư dân vi phạm sau khi được Indonesia trả tự do đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia hỗ trợ mua vé máy bay về nước. Nhưng các tài công bị phía Indonesia xét xử, phạt tù. Đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cho biết, 5 tài công chưa được thả là do gia đình và chủ tàu chưa nộp phạt. Cục Lãnh sự đang làm việc để sớm đưa những ngư dân này về nước.

 Đà Nẵng là địa phương tiêu biểu trong phối hợp Bộ Ngoại giao hướng dẫn nhiều đoàn phóng viên nước ngoài đi thực địa tại vùng biển Hoàng Sa, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền biển đảo và chủ quyền lãnh thổ.

 Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.