Đón ông Duterte, Trung Quốc nói ‘không thay đổi’ trong vấn đề biển Đông

Ông Duterte và ông Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh. (Ảnh: CNA)
Ông Duterte và ông Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh. (Ảnh: CNA)
TPO - Bắc Kinh nói với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rằng vấn đề biển Đông không phải để mang ra đàm phán, một phát ngôn viên của ông Duterte hôm nay cho biết.

Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý trên hầu hết biển Đông, trong đó có cả khu vực nằm gần bờ biển Philippines. Bắc Kinh cũng không công nhận phán quyết của Toà trọng tài quốc tế với nội dung bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ của nước này. 

Còn ông Duterte đang chịu sức ép gia tăng từ dư luận trong nước phải chống lại Trung QUốc, sau mấy năm nhà lãnh đạo này gác phán quyết sang một bên để đổi lại lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh. 

Trong cuộc gặp giữa ông Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối 29/8, ông Tập nhắc lại quan điểm không công nhận phán quyết, cũng như “không nhúc nhích về quan điểm”, phát ngôn viên của ông Duterte cho biết. 

Hai nhà lãnh đạo này đã đồng ý cùng làm việc để “quản lý” vấn đề và thừa nhận “tầm quan tọng của việc phải tự kiềm chế và tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở biển Đông”, phát ngôn viên nói. 

Quyết định nêu lại phán quyết trong chuyến đi này được một số chuyên gia đánh giá là một sự thay đổi của ông Duterte. 

“Vào thời điểm này, ông ấy không còn gì để mất vì chỉ còn 3 năm nữa của nhiệm kỳ”, ông Renato de Castro, giáo sư ngành nghiên cứu quốc tế tại ĐH De La Salle ở Manila, nói. 

“Vì thế, ông ấy có thể vẫn sẽ nêu lại phán quyết dù ông Tập có phớt lờ hay bác bỏ. Đó là một chiêu kinh điển”, ông Castro nói. 

Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập nói rằng hai bên nên “gác tranh chấp, loại bỏ sự can thiệp của bên ngoài” vào biển Đông và “thúc đẩy cùng khai thác dầu khí trên biển” ở khu vực. 

Ngoài Philippines, các nước khác gồm Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc không chấp nhận các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương của các nước Đông Nam Á trong vùng biển của họ. 

Theo Theo CNA
MỚI - NÓNG