Đón tết thời công nghệ

Đón tết thời công nghệ
TPO - Công nghệ đang làm thay đổi cung cách nhiều gia đình Trung Quốc ăn tết âm lịch.

Dịp tết âm lịch năm nay, cô Tiffany Trần đã quyết định thử nghiệm cái gì đó khác khác và đặt một bữa ăn cho gia đình.

Trước đây,  nếu đến tết, cô Trần, quê ở thành phố Hợp Phì, An Huy nhưng làm việc tại thủ đô Bắc Kinh, sẽ về quê. Gia đình cô ăn tết kiểu truyền thống, bằng việc tự tay nấu một bữa cỗ lớn, ê hề các món.

Nhưng vài năm trở lại đây, một số thói quen đã thay đổi. Mẹ cô Trần thấy phải nấu một bữa cỗ tết là việc gì đó quá mệt mỏi. Bà cảm thấy chán với mùi dầu ăn và khói bếp. Năm nay, để thay đổi, bà lên thăm con gái ở Bắc Kinh.

Cô Trần tìm kiếm nhà hàng, cố đặt chỗ cho một bữa ăn tất niên nhưng thấy các nhà hàng đã kín chỗ, trong khi nhiều người trong nhà không muốn ra ngoài vào một đêm giá rét. Rồi cô Trần đăng nhập Eleme, một app chuyên cung cấp dịch vụ giáo đồ ăn. Cô gõ cụm từ “bữa ăn tất niên”.

“Có khá nhiều kết quả”, cô Trần nói. Việc đặt đồ ăn uống dễ dàng là một trong những thứ cho thấy công nghệ đang thay đổi cách người Trung Quốc đón tết âm lịch và thay đổi này được mọi giới, mọi lứa tuổi chào đón.

Những người muốn đi ăn nhà hàng sử dụng ứng dụng Eleme tìm kiếm nhận được nhiều tùy chọn bữa ăn, từ vịt quay Bắc Kinh, lẩu hay các món xào, để làm cỗ tết. Một bữa lẩu của chuỗi nhà hàng Hải Để Lao cho 5-7 người có giá 499 tệ (71USD). Để thuyết phục những người khó tính, Hải Để Lao còn liệt kê chi tiết thành phần nguyên liệu của từng món ăn.

Đặt đồ ăn chỉ bằng một cú gạt trên màn hình điện thoại đã trở thành một xu hướng ở Trung Quốc, thay thế truyền thống nấu ăn tại nhà trong nhiều gia đình.

Các nhà bán lẻ nhanh chóng nhảy vào thị trường này khi nhu cầu gia tăng. Quảng cáo bắt đầu tràn ngập các mạng xã hội từ nhiều tuần trước tết. Một quảng cáo trên mạng WeChat viết: “Không muốn cha mẹ phải mệt vì nấu nướng tại nhà?Không thể đặt chỗ ở một nhà hàng nào đó và không muốn phải rửa bát đĩa sau khi ăn? Sao không tìm đến dịch vụ bữa ăn tất niên? Những vấn đề kể trên sẽ không còn là vấn đề nữa”.

Đón tết thời công nghệ ảnh 1 Quà tết thời công nghệ

Tại nhà ga phía bắc của thành phố Thâm Quyến nhộn nhịp một tuần trước kỳ nghỉ tết âm   lịch, một người cha vội vã bắt tàu, hành lý bên tay này, tay kia xách một hộp loa bluetooth.

Diêm Kiến Long quê ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Anh làm nghề thiết kế ở Thâm Quyến, Quảng Đông và gửi tiền về quê nuôi gia đình.

Năm nay, thay vì mua đồ ăn thức uống ở Quảng Đông mang về quê làm quà, anh Diêm muốn mua đồ công nghệ cao cho đứa con trai 10 tuổi.

Đón tết thời công nghệ ảnh 2 Lì xì qua mạng

“Tôi nghe nói bây giờ nó thích mấy thứ này”, Diêm nói. “Nó thích hát, và loa bluetooth có thể kết nối với điện thoại của nó”.

Có nhiều người như anh Diêm Kiến Long.  Trần Chí Dương, làm việc tại một cửa hàng bán điện thoại di động, tai nghe và đồ chơi điện tử ở nhà ga, nói các loại đồ chơi robot như chó máy hay máy bay không người lái là thứ bán chạy nhất trong dịp tết này.

Đón tết thời công nghệ ảnh 3  Đồ chơi robot thay cho bánh kẹo

Một truyền thống quan trọng, khi trẻ em được nhận tiền mừng tuổi trong phong bì đỏ, cũng không thể tránh khỏi chịu tác động của công nghệ.

Ngày xưa người ta tặng tiền trong phong bì đỏ. Nay người Trung Quốc gửi tiền mừng tuổi qua dịch vụ tin nhắn WeChat, do công ty internet khổng lồ Tencent phát triển. Người ta nhắn tin và kèm theo cả những “bao lì xì màu đỏ” gắn kèm tin nhắn. Bao lì xì là ảo nhưng tiền là có thật.

Công ty Tencent cho SCMP hay dịch vụ này có từ năm 2014.

MỚI - NÓNG