Đông Âu - Từ đỉnh cao tới vực sâu

Đông Âu - Từ đỉnh cao tới vực sâu
TP - Xuất khẩu suy giảm cùng với sự mất giá của đồng nội tệ khiến các nước Đông Âu đang rơi xuống vực sâu.
Đông Âu - Từ đỉnh cao tới vực sâu ảnh 1
Khủng hoảng khiến tiền của các nước Đông Âu mất giá

Ryszard Delewski một doanh nhân Ba Lan đang bên bờ vực phá sản. Ngân hàng thông báo Cty Delkar của ông đang cầm đèn đỏ với khoản tiền 4 triệu zloty (1,1 triệu USD). Do rủi ro về tỷ giá, đồng zloty mất 1/4 giá trị so với euro khiến khoản nợ của Cty thêm chồng chất.

Mỗi tháng, nhà máy của Delewski ở gần thành phố Kielce sản xuất 150 tấn máng nước bằng kim loại, cùng cột thu lôi và các sản phẩm xây dựng khác. Một nửa sản phẩm được xuất khẩu sang Pháp, Bồ Đào Nha, Đức và thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác; trong khi phần còn lại bán ở Ba Lan.

Theo ông Delewski, nếu chỉ đối mặt với nhu cầu ở Tây Âu suy giảm, Cty của ông không đến mức phải ngừng sản xuất.

Mất 20 năm để các nước Đông Âu dần rũ bỏ nền kinh tế kế hoạch, cơ cấu thiếu hiệu quả. Các Cty ở Đông Âu tham gia vào thị trường mới cùng với quá trình tư hữu hóa giúp khu vực này hội nhập với nền kinh tế toàn cầu hóa.

Sau khi gia nhập EU, các nước vùng Baltic cho thấy những thành quả đặc biệt ấn tượng trong việc bắt kịp các nước láng giềng Tây Âu, thậm chí nhiều năm đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 10 phần trăm.

Giờ đây, các nền kinh tế Đông Âu từng một thời bùng nổ đang ngưng trệ. Khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Mỹ đang tấn công vào các quốc gia từng nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Điều đáng nói là các nền kinh tế này bị ảnh hưởng nặng nề và nhanh hơn bởi chính câu chuyện thành công khi đến với chủ nghĩa tư bản.

Estonia, Latvia, Litva - những quốc gia từng nhiều năm đạt mức tăng trưởng 7 – 10 phần trăm, nay đối mặt với sự tuột dốc của nền kinh tế. Hungaria phải cầu viện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và EU với khoản vay 27 tỷ USD và Romania cũng cần khoản tiền tương đương. Quý IV/2008, sản xuất ở Ba Lan suy giảm năm phần trăm so với cùng kỳ năm 2007. Tại Cộng hòa Séc, tỷ lệ thất nghiệp lên 12 phần trăm.

Lo ngại khủng hoảng ở các nước thành viên mới sẽ ảnh hưởng tới toàn EU, các nước Tây Âu tranh cãi biện pháp hỗ trợ. Trong cuộc họp diễn ra cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đồng thuận nâng khoản cho vay khẩn cấp dành cho các nước Đông Âu lên 50 tỷ euro (68 tỷ USD).

Hàng trăm ngàn người từ Ba Lan, Bulgaria và Romania từng đổ sang các nước Tây Âu tìm công việc có thu nhập cao hơn, nhưng nay họ lại trở về nước. Trong nhiều năm, người ở Đông Âu được khuyến khích vay ngoại tệ và chính sách kích thích tiêu dùng nội địa này giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh.

Nhiều thành viên mới của EU nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Giờ đây núi nợ nần ngày càng cao hơn và thâm hụt ngân sách ở những nước như Litva, Bulgaria chiếm tới 15 phần trăm GDP.

Nhu cầu từ Tây Âu suy giảm khiến tỷ giá hối đoái xuống. Trong sáu tháng qua, đồng leu của Romania mất hơn 16 phần trăm giá trị và đồng forint của Hungaria mất giá gần 20 phần trăm.

Sự phá sản hàng loạt ở Đông Âu ảnh hưởng tới các chủ nợ ở Tây Âu, kiểm soát 70 phần trăm hệ thống ngân hàng ở Đông Âu. Chỉ riêng các ngân hàng của Áo đã cho khách hàng Đông Âu vay tới 293 tỷ euro.

Khó khăn về kinh tế còn tạo ra những rắc rối khác trong xã hội. Tại Bulgaria, Latvia và Litva, người ta ném đá, trứng thối và tuyết vào các toà nhà của chính phủ. Tại thủ đô của Latvia, Chính phủ của Thủ tướng Ivars Godmanis thậm chí buộc phải từ chức.

D.H
Theo DerSpiegel

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.