Đóng bãi thử hạt nhân Triều Tiên đặt ra nhiều thách thức

TPO - Với việc Triều Tiên cam kết đóng bãi thử hạt nhân như một phần nỗ lực của nước này nhằm phi hạt nhân hóa, trọng tâm là làm thế nào để tiến trình đóng cửa diễn ra dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết ông sẽ mời các chuyên gia và báo giới của Hàn Quốc và Mỹ tới để chứng kiến việc tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định tiến trình này được cho là một nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều người dự đoán do những thách thức về công nghệ của việc đóng bãi thử cũng như nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.

Kể từ khi diễn ra vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006, Triều Tiên đã tiến hành tất cả các vụ thử hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri, trong đó có vụ mới nhất và mạnh nhất hồi tháng 9/2017. Trong tổng cộng 6 vụ thử, Bình Nhưỡng tiến hành 5 vụ ở Cổng Bắc.

Các cuộc thử nghiệm thường xuyên như vậy đã làm dấy lên tin đồn rằng Cổng Bắc có thể đã không còn phù hợp để tiến hành thêm các vụ thử nữa do các cơ sở ngầm của bãi thử dưới núi Mantap này đã bị hư hại nặng do hậu quả của các vụ thử trước đó. Một nhóm các nhà địa chất học Trung Quốc đã kết luận rằng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 đã biến ngọn núi này thành “những mảnh dễ vỡ”, có thể khiến cho bụi phóng xạ thoát ra ngoài.

Nhà địa chất học Wen Lianxing thuộc Đại học khoa học và công nghệ Trung Quốc, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu của nước này khuyến cáo: “Cần tiếp tục giám sát các nguy cơ rò rỉ chất phóng xạ do sự cố sập (bãi thử) gây ra”.

Với việc Cổng Đông bị đóng sau vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006, hai đường hầm còn lại là Cổng Nam và Cổng Tây dường như là những cơ sở còn lại duy nhất để tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân.

Trang web 38 độ Bắc chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên của Viện nghiên cứu Mỹ-Triều thuộc Đại học Johns Hopkins khẳng định rằng, 2 cổng trên vẫn “khả dụng” cho các vụ thử hạt nhân, chứng thực tuyên bố trước đó của ông Kim với ông Moon rằng có hai đường hầm tại bãi thử Punggye-ri trong tình trạng tốt. Điều này làm giảm suy đoán của quốc tế rằng bãi thử này đã bị hư hại nặng bởi các vụ nổ hạt nhân khiến nó không còn có thể sử dụng được nữa.

Trang web 38 độ Bắc phân tích, “hai khu vực đồi núi có thể được tiếp cận qua các cổng Nam và Tây vẫn còn khả dụng, đồng thời có thể hỗ trợ vụ thử hạt nhân ngầm trong tương lai nếu có một quyết định chính trị để làm như vậy”.

Gần đây nhất đã có hàng loạt thông tin cho thấy Triều Tiên đã áp dụng các bước đi ban đầu nhằm đóng cửa bãi thử Punggye-ri. Đài truyền hình CBS của Mỹ đưa tin, Triều Tiên đã bắt đầu rút cáp ngầm tại bãi thử này.

Mặc dù Triều Tiên vẫn chưa xác nhận những thông tin trên và không có thông tin cụ thể về nơi diễn ra việc rút cáp ngầm ở bãi thử, song các nguồn tin tình báo tại đây nghi ngờ rằng đó là Cổng Nam. Hãng thông tấn Yonhap dẫn một nguồn tin tình báo giấu tên cho biết, “có dấu hiệu mà chúng tôi chưa từng thấy trước đó ở Cổng Nam. Chúng tôi tin rằng nhiều khả năng đó là một phần nỗ lực của Triều Tiên nhằm đóng bãi thử hạt nhân này”.

So với Cổng Bắc đã bị hạt nhân hủy hoại, việc đóng cửa Cổng Nam và Cổng Tây được coi là tiến trình tương đối ít phức tạp do không có vụ thử hạt nhân nào diễn ra tại đây.

Một trong những cách đang được cân nhắc là cho nổ mìn để đóng các đường hầm ngầm này, nhưng phương pháp này có vẻ quá nguy hiểm do có thể dẫn tới sập núi Mantap và gây rò rỉ lượng lớn chất phóng xạ.

Bị nghi ngờ là đang bị ảnh hưởng bởi “hội chứng núi mệt mỏi”, núi Mantap đã bị suy yếu với hiện tượng đá xung quanh bị đứt gãy lớn và ngày càng bị thấm do hàng loạt vụ thử hạt nhân trước đó.

Do những nguy cơ liên quan tới việc nổ mìn để đóng bãi thử này, một số nhà phân tích đã đề xuất ý tưởng “chôn vùi” nơi đây, bằng cách sử dụng hỗn hợp vôi và cát để bịt kín mọi đường hầm và chôn nó dưới lòng đất.

Việc liệu các thanh sát viên của Triều Tiên và quốc tế có nhất trí với lựa chọn này hay không vẫn là một nghi vấn do tiến trình này sẽ đòi hỏi thời gian làm việc lâu hơn và sự hiện diện của nhiều chuyên gia.

Một thách thức nữa là loại bỏ các nguyên liệu hạt nhân còn sót lại, như plutoni và urani đã được làm giàu, vốn có thể vẫn lưu lại ở bãi thử Punggye-ri thậm chí cả sau khi cơ sở này bị chôn vùi.

Kỹ sư và chuyên gia phân tích hạt nhân thuộc Đại học quốc gia Seoul, ông Seo Gyun-ryul cho rằng, plutoni và urani đã được làm giàu có thể được khai quật dễ dàng. Với các công thức tái chế, những chất này có thể được sử dụng cho các đầu đạt hạt nhân...Nó cần được chuyển đổi hoàn toàn thông qua quy trình hóa học”.

Theo Theo Korea Herald
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.