Đóng đường khí đốt Nga - Châu Âu qua Ukraine

Đóng đường khí đốt Nga - Châu Âu qua Ukraine
TP - Ngày 7/1, mọi đường ống cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu chạy qua Ukraine ngừng hoạt động hoàn toàn khiến gần 20 quốc gia rơi vào tình cảnh thiếu năng lượng giữa mùa đông lạnh giá.
Đóng đường khí đốt Nga - Châu Âu qua Ukraine ảnh 1
Nga ngừng cung cấp khí đốt cho nhiều nước châu Âu - Ảnh: Reuters

Ukraine cáo buộc Nga chủ động ngừng cung cấp và Matxcơva phải chịu trách nhiệm trước một châu Âu “không còn khí đốt”.

Trong khi đó, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga lại cho rằng chính Kiev đã chặn các đường ống khí đốt mà Matxcơva cung cấp cho châu Âu.

Gazprom khẳng định vẫn bơm khí đốt cho châu Âu với khoảng 40 triệu m3/ngày, nhưng Ukraine giữ lại để sử dụng.

Thủ tướng Nga V.Putin và lãnh đạo tập đoàn Gazprom còn cáo buộc Ukraine biển thủ 15% lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu. Phát ngôn viên Gazprom ngày 7/1 cho rằng Ukraine tiếp tục biển thủ thêm 21 triệu m3 khí đốt trong 24 giờ qua.

Châu Âu nhập khẩu khí đốt từ Nga

Phụ thuộc hoàn toàn: Latvia, Slovakia, Phần Lan, Estonia
Trên 80%: Bulgaria, Lit-va, CH Séc
Trên 50%: Ba Lan, Hi Lạp, Áo, Hungria

Hơn mười nước châu Âu vừa thông báo không còn nhận được khí đốt từ Nga. Nạn nhân mới nhất là Áo, Cộng hòa Séc, Rumania và Slovakia. Có gần 20 nước bị ảnh hưởng do tranh chấp khí đốt Nga – Ukraine, bao gồm cả các nền kinh tế lớn nhất khu vực như Đức, Pháp, Italia.

Các nước châu Âu phụ thuộc phần lớn vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga đang phải tiến hành biện pháp khẩn cấp như mở kho dự trữ, cắt giảm tiêu thụ và tìm nguồn năng lượng thay thế ... để đối phó việc thiếu khí đốt đột ngột gây xáo trộn nhiều hoạt động kinh doanh cũng như đời sống người dân.

Các tập đoàn năng lượng ở Đức, nước nhập khẩu 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, cảnh báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ sớm rơi vào tình cảnh thiếu năng lượng nếu tranh chấp kéo dài.

Quan chức CH Séc, nước đang là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), ước tính lượng khí đốt dự trữ của khu vực chỉ đáp ứng được trong vài tuần.

Ngoại trưởng EU, theo dự kiến, có cuộc họp khẩn tại Prague (CH Séc) ngày 8/1 để thảo luận cuộc tranh chấp khí đốt Nga – Ukraine. EU còn chủ động cử đại diện đàm phán với Nga và Ukraine để hai bên nhanh chóng chấm dứt tranh chấp.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực vẫn chưa có kết quả khi lãnh đạo tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraine vừa tuyên bố nước này không đồng ý mua khí đốt của Nga với giá 450 USD/1000 m3 như đề nghị của tập đoàn Gazprom.

Theo kế hoạch, hôm nay (8/1), đại diện hai tập đoàn năng lượng của Nga, Ukraine nối lại đàm phán.

Nga là nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cung cấp khoảng ¼ lượng khí đốt được sử dụng ở trên toàn EU. Khoảng 80% lượng khí đốt châu Âu nhập khẩu từ Nga thông qua các đường ống chạy trên đất Ukraine. Những đường ống nhỏ hơn từ Nga chạy qua Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu Âu. Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine từ ngày 1/1 sau khi không đạt được thoả thuận với Kiev về giá bán trong năm 2009 và Ukraine chưa thanh toán hết nợ cũ.

D.H
Tổng hợp

MỚI - NÓNG