Đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị quan chức cấp cao G20

Đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị quan chức cấp cao G20
TP - Hội nghị các quan chức cấp cao Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), còn gọi là Hội nghị Sherpa G20 lần thứ hai, diễn ra từ ngày 23 tới 24/3 tại Đức dưới sự chủ trì của nước chủ nhà, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết. Cùng với Hà Lan, Na Uy, Singapore, Chad và Senegal, Việt Nam là một trong những nước tham gia với tư cách khách mời. Đoàn Việt Nam do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh làm trưởng đoàn tham dự với tư cách là chủ nhà APEC 2017.

Hội nghị Sherpa G20 lần thứ hai tiếp tục thảo luận các nội dung để chuẩn bị báo cáo Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức vào tháng 7, trong đó có việc bắt đầu soạn thảo những thông điệp chính của các nhà lãnh đạo G20 sẽ công bố tại hội nghị thượng đỉnh. Tiến tới chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, nội dung nghị sự của Hội nghị Sherpa G20 lần thứ hai bao gồm các trọng tâm: triển vọng kinh tế thế giới; cải thiện đời sống người dân thông qua tạo việc làm và tối đa hóa lợi ích của số hoá; chia sẻ lợi ích của toàn cầu hóa thông qua đẩy mạnh thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và hỗ trợ châu Phi; các vấn đề y tế, bệnh dịch; đảm bảo an ninh, củng cố lòng tin của người dân thông qua chống khủng bố, chống tham nhũng; vấn đề khí hậu và năng lượng; vấn đề tị nạn, nhập cư.
Đoàn Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp nhiều ý kiến tại các phiên thảo luận. Phát biểu tại phiên Thương mại và Đầu tư, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh chuyển tới hội nghị kết quả Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất; kiến nghị APEC và G20 cần tăng cường phối hợp, bổ sung lẫn nhau trong các vấn đề hai bên đều quan tâm, nhất là thương mại và đầu tư. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của toàn cầu hóa, thương mại đa phương; kêu gọi các nước lưu ý điều chỉnh chính sách trong nước để đảm bảo lợi ích toàn cầu hóa được phân bổ đồng đều, hướng tới phát triển bao trùm và bền vững.

Đoàn Việt Nam cũng chia sẻ kết quả và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề tương tự trong các khuôn khổ như Hội nghị Liên Hợp Quốc khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, các khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong và Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam…

Nhiều ý kiến đóng góp có trách nhiệm của đoàn Việt Nam về thúc đẩy liên kết kinh tế, hợp tác ba bên hỗ trợ châu Phi, vấn đề chống vi khuẩn kháng thuốc, thực hiện Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững 2030, chống tham nhũng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, ứng phó với biến đổi khí hậu... được nước chủ nhà và nhiều đại biểu hoan nghênh, tán đồng.

MỚI - NÓNG