Đồng minh và tình báo

BND chuyển dữ liệu công dân Đức cho tình báo Mỹ. (Ảnh: Đức Minh/Vietnam+)
BND chuyển dữ liệu công dân Đức cho tình báo Mỹ. (Ảnh: Đức Minh/Vietnam+)
TP - Quan hệ thân cận giữa Mỹ với Đức lại rơi vào báo động đỏ sau khi tình báo Đức phát hiện “ông bạn đồng minh” tiếp tục đâm sau lưng mình bằng việc tuyển một điệp viên tình báo Đức làm tay trong từ năm 2011. 

Vụ việc bị tiết lộ từ giữa năm 2014 sau khi một nhân viên tình báo tên Markus R, từng làm việc tại Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND), bị phát hiện đã đánh cắp thông tin mật để bán cho tình báo nước ngoài. 


Một điều đáng buồn cho Berlin là Đức phát hiện được vụ gián điệp nhị trùng này hoàn toàn không phải nhờ đồng minh mà là từ Nga, một quốc gia hoàn toàn không thân thiện với Đức, nếu không nói là đối đầu. Tình báo Đức phát hiện email của Markus R gửi cho Nga đề nghị bán tin. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là Mátxcơva đã từ chối.

Trong khi đó, trong quá trình thẩm vấn, nhân viên điều tra Đức bất ngờ khi Markus R khai nhận đã bán thông tin cho Mỹ từ nhiều năm nay. Ngay lúc đó, tình báo Đức đã đề nghị Mỹ hỗ trợ điều tra song câu trả lời họ nhận được từ phía các đồng nghiệp đồng minh chỉ là sự im lặng.

Sự từ chối của Washington đã khiến cho tình báo Đức khá vất vả khi phải mất hàng tháng trời để giải mã các thông tin lưu giữ trong laptop Markus R và những phát hiện mới nhất đã khiến Berlin choáng váng về mức độ nghiêm trọng. 

Berlin phát hiện tình báo Mỹ đã cung cấp ứng dụng đặc biệt để Markus R có thể gửi tin thông qua email mà không bị phát hiện. Có thể nói sự tiếp tay của Washington đang đặt số phận của 3.500 điệp viên Đức ở nước ngoài rơi vào tình cảnh nguy hiểm vì BDN hiện tại không thể chắc chắn liệu Markus R có bán bản danh sách tối mật này cho các cơ quan tình báo thù địch hay không.

Trong khi hậu quả của vụ việc Edward Snowden chưa lắng xuống, vụ bê bối Markus R là giọt nước tràn ly. Chính phủ Đức tuyên bố đang xem xét hủy bỏ thỏa thuận không do thám lẫn nhau ký với Mỹ từ năm 1945. Berlin thậm chí tuyên bố không loại trừ khả năng giám sát chống gián điệp đối với các hoạt động tình báo của Mỹ, Anh và Pháp. 

Đây là thay đổi chưa từng có tiền lệ trong chính sách phản gián của Đức vì trước đây, các hoạt động ngoại giao và thu thập thông tin của Mỹ, Anh và Pháp đều không bị BND giám sát vì các nước này được coi là “hữu nghị” với Đức.

Dường như hai vụ bê bối tình báo liên tiếp đã giúp Berlin nhận ra rằng đối với Mỹ, không có khái niệm “đồng minh” trong lĩnh vực tình báo mà chỉ có lợi ích.

MỚI - NÓNG