Đông Timor đang hồi sinh

Đông Timor đang hồi sinh
TPO - Có lẽ người Đông Timor khá giống chúng ta bởi ý chí độc lập tự cường. Điều đó đã giúp họ có một quốc gia riêng dù dân số chỉ bằng một tỉnh vừa vừa của Việt Nam. Ghi chép của CTV Tiền phong Online từ Đông Timor.

Nói về miền  đất này, chắc nhiều người đã biết vì cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hơn chục năm về trước. Tháng 5/2002, Đông Timor (Timor Leste – tiếng Bồ Đào Nha) trở thành quốc gia mới nhất được độc lập trên trái đất, sau khi đuổi quân đội chiếm đóng Indonesia ra khỏi bờ cõi. Lịch sử 450 năm bị xâm lược của nhiều ngoại bang đã diễn đi diễn lại trên mảnh đất 5000km2 này.

Người Melansia từng lang thang trên đảo Solomon, đến Papua New Guinea và đi thuyền tới cả xứ Timor này từ 3000 năm trước Công nguyên. Ngoài ra, phải kể đến dòng người di cư từ Malai, Trung quốc và Indonesia tới đây vài thế kỷ sau đó. Chính vì thế Timor Leste có khá nhiều ngôn ngữ trao đổi hàng ngày.

Đông Timor đang hồi sinh ảnh 1
Lịch sử 450 năm bị xâm lược của nhiều ngoại bang đã diễn đi diễn lại trên mảnh đất 5000km2 này. Ảnh : Hiệu Minh

Đế quốc Bồ Đào Nha chiếm Timor Leste vào năm 1515, tạo ra thông thương với thế giới, mang café, mía và bông cho dân học trồng cây. Trong thế chiến 2, người Úc và Hà Lan nhìn thủ đô Timor Leste như một điểm chiến lược quan trọng nên đã đổ bộ chiếm thành phố Dili không điện, không nước, dù Bồ Đào Nha phản đối kịch liệt. Quân Nhật cũng nhìn ra miền đất quan trọng nên đã chiếm lại từ năm 1942 đến 1945.

Sau chiến tranh, Bồ  Đào Nha quay lại và cố giúp xây dựng Đông Timor hoang tàn sau chiến tranh, nhưng mọi cố gắng dường như không như mong muốn. Sự biến đổi chính trị ngay trong lòng Bồ Đào Nha vào năm 1974 cũng ảnh hưởng tới quốc gia nhỏ xíu cách châu  Âu tới nửa vòng trái đất.

Đông Timor được quyền thành lập các đảng đối lập tự do, trong đó đảng Fretilin (Frente Revolucionária do Timor Leste Independente) đã bị các đảng phái khác phản đối kịch liệt. Hơn hai nghìn người đã chết sau vài tuần biến động vì tranh giành quyền lực.

Sợ hiệu ứng domino xảy ra sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, được hậu thuẫn của Mỹ và Australia, ngày 7/12/1975, quân đội Indonesia đã tấn công và chiếm đóng Đông Timor, biến nước này thành tỉnh thứ 17 của họ.

Tuy dân số chỉ hơn một  triệu, nhưng người Đông Timor không chấp nhận sự chiếm đóng ngoại bang. Dù mất đi tới hơn 200 ngàn sinh mạng, cuối cùng dân tộc này đã giành được độc lập sau 25 năm bị đô hộ. Họ còn được những chính trị gia trên thế giới hậu thuẫn như Bill Clinton, Kofi Annan, kể cả tổng thống Indonesia Habibie và sau này là bà Megawati, con gái của cố tổng thống Sukarno.

Miền  đất hoang tàn sau chiến tranh

Tôi từng tới thủ đô Dili vào năm 2003 khi tiếng súng đã yên nhưng vẫn còn nhiều ngôi nhà đổ nát. Dân nghèo bán chân gà và ngô nướng trên bãi biển, trẻ em hầu hết không đi dép. Hàng dừa cằn cỗi, còn nhiều vết đạn hồi chiến tranh, dẫu rằng thành phố nằm cạnh bờ biển uốn lượn, nước trong xanh và thơ mộng.

Đông Timor đang hồi sinh ảnh 2
Một tàn tích còn lại sau chiến tranh. Ảnh : Hiệu Minh

Tưởng rằng độc lập xong sẽ có nhiều tiền của nước ngoài đổ vào, nhưng ba năm tôi quay lại, vẫn thấy như trước. Dân vẫn lam lũ dù họ rất hiền, niềm nở và mến khách như chính tộc Melansia ở xứ Solomon.

Hình như sống bằng viện trợ của Indonesia trong vài thập kỷ nên dân  Timor không tự thân vận động như người Việt Nam. Thời mở cửa mới bung ra, cả Hà Nội là một cửa hàng tạp hóa, nhà nhà đục tường mở quán. Nhưng dân ở đây hình như đang chờ có người chỉ bảo mới làm. Thất nghiệp tràn lan và vì thế cũng gây bất ổn trong xã hội.

Vào tháng 4/2006, những cuộc bạo động đã xảy ra do chính quân đội và cảnh sát tự gây nên. Chiến tranh trên đường phố lại diễn ra giữa quân đội trung thành với chính phủ và quân phản loạn Falintil. Cuối cùng, Australia và một số quốc gia gửi quân đến và trật tự đã được vãn hồi.

Thời gian đó, tôi tới văn phòng ở thủ đô Dili làm việc đã được một cán bộ an ninh chỉ bảo rất kỹ về cách đi ngoài đường, cách phòng thân và tránh đi dạo vào buổi tối. Lính Liên Hiệp Quốc tới đây rất sợ nỏ cao su bắn tên sắt rất chính xác của dân địa phương. Mấy chục ngàn người tỵ nạn đổ về Dili làm tình hình thêm phức tạp. Tôi đã nghĩ, Timor Leste sẽ khó ngóc đầu lên được.

Dili - thiên đường du lịch tương lai?

Tôi nhớ lần  đầu (2003) đến đây ở khách sạn Esplanada, không điện thoại, loại 0 sao nhưng giá trên trời với 85$/tối như 5 sao ở Hà Nội. Taxi không có bến đỗ, lúc nào cũng chạy trên đường để tìm khách. Lên xe, bất kể xa gần đều có giá 1$, không có khách thì cũng mất tiền xăng.

Tôi nhớ đã cùng các đồng nghiệp đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước khác, tìm mãi mới được một quán bia tồi tàn bên phố chính của Dili. Đang uống chợt con ruồi rơi tõm vào cốc bia, thế là đổ cả cốc. Hôm sau thấy mất nhiều bia quá nên vài anh chàng đành vớt ruồi ra và tiếp tục…uống. Tôi đùa, không chừng ở thêm tuần nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với những chú ruồi tham ăn kia.

Đông Timor đang hồi sinh ảnh 3
Bãi biển Dili. Ảnh : Hiệu Minh

Nhưng hôm nay Dili đang thay da đổi thịt. Từ sân bay Dili về khách sạn  đường xá được sửa lại tốt hơn, có đèn đường, một ngã tư có đèn tín hiệu giao thông. Xe máy, ôtô đã nhiều và đi lại nhộn nhịp hơn. Vài ngôi nhà mới đang xây. Những lô đất có lẽ đang được chia và bán chác. Hè phố đang được lát gạch và trồng cây. Giá taxi lên 2$ một cua bất kỳ xa gần, như vậy đã tăng gấp đôi.

Đến một nơi hoang tàn sau chiến tranh, thấy các sứ quán bắt đầu xây dựng nhà kiên cố, đó chính là tín hiệu yên ổn của đất nước. Sứ quán Trung Quốc đang xây rất hoành tráng, Thái Lan đã hoàn chỉnh villa rất đẹp bên bờ biển và người Mỹ thì ở đâu cũng to nhất, chưa nhìn thấy sứ quán Việt Nam ở chỗ nào.

Đông Timor đang hồi sinh ảnh 4
Tượng Christ the King. Ảnh : Hiệu Minh

Nhà thờ Thiên Chúa giáo lớn nhất thành phố, dù đang sửa lại và  hoàn thiện, nhưng ngày Chủ Nhật đông nghẹt người đến nghe giảng đạo. Tượng Christ the King, cao 27m thứ hai trên thế giới, chỉ sau tượng Christ ở Brasil, do tổng thống Suharto (Indonesia) tặng năm 1995, ở cửa biển Dili đang được sang sửa, báo hiệu những điềm lành trên đất nước này.

Đông Timor đang hồi sinh ảnh 5
Một cậu bé bán rong trước tòa nhà Văn phòng Chính phủ. Ảnh : Hiệu Minh

Trước sân rộng của tòa nhà Chính phủ, không rào che chắn, hàng ngàn thanh niên trai gái đang tụ tập reo hò cho những cuộc vui chơi cuối tuần. Vài công viên có sân chơi cho trẻ em với tiếng cười trong trẻo.

Dọc bờ biển Dili đang có dự định giải tỏa hết các nhà cửa cạnh biển để biến thành công viên. Dự kiến, Dili sẽ thành thiên đường du lịch. Dân ở  đây vô cùng thân thiện với khách, luôn niềm nở. Dạo chơi chiều gặp những đôi trai gái trên bên bờ biển với nụ cười hạnh phúc. Những đứa trẻ vui đùa trên bãi cát biển xanh đầy tôm cá. Thế hệ trẻ đang nhìn về phía trước.

Đông Timor đang hồi sinh ảnh 6
Một góc đường phố Dili. Ảnh : Hiệu Minh

Quán xá nhiều hơn hẳn so với mấy năm trước đây. Các cô gái xinh đẹp quảng cáo bán bia. Một ca sỹ café vườn hát bài  “Heal The World” của Michael Jackson về những đứa trẻ bị chiến tranh vùi dập như mong muốn hàn gắn lại nỗi đau trên đất nước này.

Người Việt  ở Dili

Lần trước đến đây, tôi thấy một quán phở Việt đơn sơ. Hỏi ra thì được biết chị chủ quán từ Darwin (Australia) sang đây làm ăn. Nay không thấy nữa, có lẽ do tình hình chính trị không ổn định nên họ đã về Việt Nam hay đi đâu rồi.

Thật bất ngờ, lần này tôi gặp quán Sài Gòn ngay cạnh bãi biển Dili. Vào chơi thấy cả nhà bốn người đang ăn trưa. Với mâm cơm đầy đủ thịt cá. Cả nhà vô cùng ngạc nhiên khi thấy một người hỏi tiếng Việt giữa đất xa lạ này.

Đông Timor đang hồi sinh ảnh 7
Vợ chồng anh Nghĩa và chị Dung, chủ quán Sài Gòn trên bãi biển Dili. Ảnh : Hiệu Minh

Vợ chồng anh Nghĩa và chị Dung, chủ quán, cho biết, gia đình từ  TP HCM sang đây lập nghiệp được 7 năm, đã trải qua sợ hãi khi nội chiến gần như cận kề. Cả nhà đóng cửa kín cả tháng trời, không dám đi đâu.

Hôm nay, anh chị thuê  được mảnh đất cạnh bãi biển để làm quán bán  đồ ăn, rượu bia. Thỉnh thoảng vẫn bay về TP HCM chơi vì có hộ chiếu Việt Nam và visa dài hạn làm việc tại Dili. Theo anh chị nói, làm ăn tạm ổn, tốt hơn ở nhà. Không bị mưa lụt bão đe dọa. Mở hàng quán rất an toàn, không sợ bị mất cắp vặt. Ô tô để cả đêm không sao, chưa thấy bị vặt gương bao giờ. Người Timor rất tôn trọng pháp luật.

Điều vui nhất của tôi là gặp đồng bào ở một nơi xa lạ nhưng được đón tiếp nồng hậu. Chị Dung dịu dàng mời tôi ăn chuối tiêu và nói “để nhớ quê hương”. Thế giới phẳng của Friedman này quả là nhỏ bé.

Thay cho lời kết

Người Đông Timor có  độc lập tự do nhưng mưu cầu hạnh phúc còn nhiều khó khăn. Với những gì nhìn thấy hôm nay, người ta có thể tin rằng, đất nước đang hồi sinh, dù quãng đường phía trước còn khá dài. Ấm no và hạnh phúc sẽ đến.

Nhìn phố phường hay công viên ven biển đang được qui hoạch, nhà cửa xây không bừa bãi, manh mún hay cao thấp tùy ý. Thùng rác công cộng đặt khắp nơi. Tất cả nói lên, “thiên đường du lịch tương lai” Dili đang có những người lãnh đạo với tầm nhìn xa trông rộng dù sau chiến tranh mới được mấy năm. Đó cũng chính là điều may mắn của Timor Leste.

Hiệu Minh
Dili 15-07-2009

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.