Việt Nam - EEU ký hiệp định:

Đột phá cho quan hệ kinh tế - thương mại

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Ảnh: TTXVN
TP - Bên lề lễ kí chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á- Âu (EEU) tại Kazkhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua hội kiến Tổng thống Kazakhstan, Armenia và tiếp Chủ tịch Ban Thường trực Uỷ ban Kinh tế Á- Âu nhằm đề ra các biện pháp tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định này,

Tại cuộc gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Nga cùng các nước thành viên EEU sớm hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do, để có thể tận dụng được tối đa những ưu đãi, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư trong giai đoạn mới. Thủ tướng Medvedev cho rằng, việc Việt Nam là đối tác đầu tiên ký hiệp định càng thêm khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Nga tin tưởng rằng, hiệp định không chỉ mở rộng hợp tác song phương, tăng kim ngạch thương mại, mà còn tạo đà thúc đẩy việc thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên trên lãnh thổ của nhau, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev nhất trí rằng, hai bên cần tìm hiểu thị trường của nhau tích cực hơn nữa, tiếp tục duy trì và củng cố hợp tác trong các lĩnh vực then chốt, trong đó có dầu khí. Hai bên bày tỏ ủng hộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Kazkhstan KazMunaiGaz tham gia các dự án thăm dò, khai thác dầu khí trên lãnh thổ của nhau.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Armenia Ovik Abramyan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên sớm thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật. Hai Thủ tướng nhất trí, thời gian tới, hai bên cần tập trung xây dựng cơ chế triển khai hiệp định, tận dụng các ưu đãi để đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hợp tác song phương, tăng cường xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin… giữa các doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh, giáo dục - đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Armenia, cần khôi phục lại hợp tác trong lĩnh vực này. Trước mắt xem xét ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, trao đổi đoàn công tác để tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác có hiệu quả.

Thủ tướng Abramyan cho biết, phía Armenia đang ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ cao; phát triển dược phẩm, công nghệ sinh học, hóa chất, cơ giới hóa nông nghiệp và chế tạo máy. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác, tổ chức các đoàn trao đổi và hội thảo, tiến tới xây dựng một số chương trình hợp tác chuyên đề khoa học - công nghệ thời gian tới.

Bước đột phá

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Belarus Andrey Kobyakov đã trao đổi và thống nhất một số phương hướng lớn nhằm thúc đẩy hợp tác song phương thời gian tới, nhất là trước bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do chuẩn bị có hiệu lực. Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn; mỗi nước đều có những thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật.

Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh, hai bên cần chủ động mở rộng hợp tác, tạo điều kiện cho hàng hóa của mỗi nước xuất khẩu thuận lợi vào thị trường của nhau. Thủ tướng Belarus khẳng định sẵn sàng tạo thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của mình như nông thủy sản, hàng dệt may, hàng tiêu dùng, hàng điện tử… Phía Việt Nam khẳng định sẵn sàng thảo luận việc mở rộng hợp tác với Belarus trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, ô tô, máy kéo… Hai Thủ tướng khẳng định, Chính phủ hai nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đa dạng hóa hợp tác thông qua việc chuyển giao công nghệ, thành lập xí nghiệp liên doanh, mở văn phòng đại diện trên lãnh thổ của nhau.

Tiếp ông Viktor Khristenko, Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á-Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc ký kết hiệp định và coi đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hiện đại và toàn diện với các linh hoạt cần thiết, có mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, tính đến điều kiện cụ thể của từng bên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, đây là bước đột phá cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên EEU.

Ông Khristenko cho biết, việc Liên minh chọn Việt Nam là đối tác ngoài khối đầu tiên để đàm phán và ký Hiệp định Thương mại tự do thể hiện sự đánh giá cao vị thế cũng như tiềm năng phát triển của Việt Nam; mong muốn Việt Nam đóng vai trò cầu nối tích cực giữa Liên minh với ASEAN. Hai bên tin tưởng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EEU sẽ tạo tiền đề để Liên minh mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam và Đông Nam Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Hai bên nhất trí sẽ hợp tác triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do một cách hiệu quả, thiết thực trên tinh thần hữu nghị, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và các nước thành viên Liên minh.

Ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông

Trong các cuộc gặp trên, Tổng thống Kazakhstan, Thủ tướng Nga, Thủ tướng Armenia và Thủ tướng Belarus đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực biển Đông; ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Ngày 29/5 tại Kazkhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng EEU và Thủ tướng các nước thành viên gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan ký Hiệp định Thương mại tự do sau hơn 2 năm tích cực đàm phán. Phát biểu với báo chí ngay sau lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân sẽ là một điểm đến mới cho hàng hóa các nước thành viên EEU. Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, sau khi hiệp định có hiệu lực, hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam sẽ thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường EEU. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực để EEU mở rộng quan hệ với Cộng đồng ASEAN - một thị trường thống nhất, phát triển năng động có 600 triệu dân với GDP khoảng 2.500 tỷ USD. Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á - Âu Viktor Khristenko nói rằng, hiệp định sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ của 5 quốc gia với 180 triệu dân, quy mô GDP trên 2.500 tỷ USD.

MỚI - NÓNG