Đợt tuyệt thực lâu nhất thế giới chấm dứt

Bà Irom Sharmila tuyệt thực suốt 16 năm qua. Ảnh: Ian Thomas Jansen-Lonnquist
Bà Irom Sharmila tuyệt thực suốt 16 năm qua. Ảnh: Ian Thomas Jansen-Lonnquist
TP - Nhà hoạt động người Ấn Độ Irom Sharmila hôm qua chấm dứt đợt tuyệt thực lâu nhất thế giới, 16 năm, để tranh cử ở địa phương. Bà tuyệt thực để phản đối một đạo luật an ninh gây tranh cãi.

Chiến dịch tuyệt thực của Irom Sharmila khiến bà bị bắt giữ và bị ép ăn bằng ống xông qua mũi. Bà bị giữ theo một đạo luật có nội dung coi cố gắng tự tử là một hành vi phạm tội.

Một tòa án ở bang Manipur ở đông bắc Ấn Độ ngày 9/8 cho bà tại ngoại và yêu cầu bà tái xuất hiện ngày 23/6 năm sau. Bà Sharmila đã ký giấy tờ liên quan nộp tiền bảo lãnh tại ngoại, sau đó được thả ra từ một bệnh viện địa phương. Trước mặt các nhà báo có mặt tại bệnh viện, bà nếm mật ong như là biểu tượng chấm dứt tuyệt thực.

Tại tòa án ở Imphal, thủ phủ bang Manipur, nhà hoạt động Sharmila nói rằng, bà là “tù nhân lương tâm” và bà muốn chấm dứt quá trình tuyệt thực dài đằng đẵng, muốn được tự do và muốn tranh cử ở địa phương. “Tôi phải thay đổi chiến lược của mình. Một số người coi tôi là một phụ nữ kỳ lạ vì tôi muốn tham gia chính trị. Họ nói rằng, chính trị là bẩn thỉu, nhưng xã hội cũng vậy”, bà nói.

Nguyên nhân

Bà Sharmila tuyệt thực để phản đối Đạo luật Sức mạnh đặc biệt của các lực lượng vũ trang (AFSPA). Đạo luật này trao quyền rất lớn cho binh sĩ; họ có quyền bắt người mà không cần trát của tòa án, thậm chí giết người trong một trường hợp cụ thể. AFSPA có hiệu lực ở một số bang của Ấn Độ, trong đó có Manipur, và khu vực Kashmir (tranh chấp với Pakistan, hiện do Ấn Độ kiểm soát).

Đợt tuyệt thực lâu nhất thế giới chấm dứt ảnh 1

Cứ hai tuần bà Sharmila lại xuất hiện trước tòa án Manipur để tái khẳng định sự phản đối của mình. Ảnh: Ian Thomas Jansen-Lonnquist

Bà bắt đầu tuyệt thực 16 năm trước sau khi 10 thường dân bị các binh sĩ Ấn Độ sát hại ở bang Manipur, một ngày sau khi đơn vị của họ bị tấn công ở làng Malom. Sau này, một đài kỷ niệm được dựng lên tại nơi 10 người dân ngã xuống.


Phần lớn thời gian trong 16 năm qua, bà Sharmila bị giữ tại một bệnh viện có tên viết tắt là JNIMS ở thành phố Imphal. Bà bị ép dùng thuốc chữa bệnh và sữa bột dành cho trẻ em. Hỗn hợp thuốc - sữa này được đưa vào cơ thể bà qua đường mũi. Ước tính, chính quyền mỗi tuần phải chi ít nhất 500 USD cho tiền thuốc và tiền sữa.

Cứ vào ngày 14 hằng tháng, bà Sharmila xuất hiện trước tòa, khẳng định rằng bà muốn tiếp tục tuyệt thực. Và cứ 14 ngày một lần, tòa án lại ra phán quyết rằng, bà đang cố gắng tự tử. Sau đó, bà được đưa trở lại khu vực an ninh ở bệnh viện. Bà Sharmila được thả hồi tháng 8/2014 sau khi tòa án bác bỏ cáo buộc bà “cố gắng tự tử”. Nhưng hai ngày sau, bà lại bị bắt vì từ chối chấm dứt tuyệt thực.

Bang Manipur có dân số khoảng 2,5 triệu người và có một lực lượng quân đội, bán quân sự và cảnh sát khổng lồ. Họ được triển khai để chống các nhóm nổi dậy.


Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.