Dư luận quốc tế chỉ trích tấn công quân sự Libya

Dư luận quốc tế chỉ trích tấn công quân sự Libya
TP - Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga… và thậm chí cả trong lòng nước Mỹ đã và đang kêu gọi ngừng các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Libya.

>> Máy bay chiến đấu Mỹ rơi tại Libya

>> Libya khủng hoảng chính trị

Xác chiếc máy bay rơi Ảnh: Reuters
Xác chiếc máy bay rơi. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin chỉ trích Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi cho phép sự can thiệp của nước ngoài vào một quốc gia có chủ quyền. Ông nói Nga sẽ không tham gia các hoạt động không kích và đổ bộ ở Libya.

Nga đồng ý là chế độ của nhà lãnh đạo Moammar Gaddafi không thích hợp nhưng điều đó không có nghĩa là tạo cho các nước khác quyền can thiệp vào xung đột chính trị nội bộ hay vũ trang của nước này để bảo vệ một trong các bên.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định sẽ không tham gia lực lượng liên quân tại Libya. Ông nói rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không thể ném bom người dân Libya vì họ không muốn thấy Libya như Iraq thứ hai cách đây 8 năm.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ cử lực lượng hải quân giúp Libya trong nỗ lực kiểm soát Địa Trung Hải và hỗ trợ nhân đạo trên mặt đất, đặc biệt tại thành phố Benghazi.

Các nước Mỹ Latinh như Brazil, Bolivia yêu cầu liên quân ngừng các hoạt động quân sự càng sớm càng tốt để bảo vệ dân thường, cũng như mở đường cho giải quyết khủng hoảng bằng đối thoại. Nhiều nghị sĩ Mỹ chỉ trích Tổng thống Barack Obama can thiệp quân sự vào Libya.

Đ.P
Theo VOV

Mục đích ngầm và chi phí nổi

“Mục đích dài hạn không nói ra nhưng ai cũng hiểu là thay đổi chế độ… Nên nhớ rằng, ở Iraq và Afghanistan, thay đổi chế độ chỉ là màn khởi đầu. Có thể liên minh chưa quyết định về chiến lược hoặc chưa đồng thuận”, George Friedman, Tổng Giám đốc điều hành cơ quan tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu Stratfor, nói về chiến dịch quân sự mà liên quân đang thực hiện ở Libya.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù liên quân liên tục không kích mấy ngày qua, lực lượng nổi dậy ở Libya sẽ cần đến trợ giúp từ bên ngoài để nâng cao năng lực kiểm soát và chỉ huy mà hiện nay gần như không có. Lực lượng của chính phủ Libya ở lẫn trong khu dân thường nên không kích khó đạt mục tiêu mà không gây thiệt hại phụ quy mô lớn.

“Sức mạnh không quân có hạn chế. Nó không đưa ra cú đánh quyết định hay phòng ngừa tấn công dân thường trong mọi trường hợp. Chỉ có lực lượng bộ binh có thể giữ lãnh thổ, bảo đảm an ninh địa phương và áp đặt ý chí chính trị của họ lên kẻ thù”, Henry Wilkinson, nhà phân tích chính của cơ quan tư vấn an ninh Janusian, nhận định.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, chi phí cho chiến dịch quân sự của liên quân ở Libya đang tăng mạnh từ mức trên 100 triệu USD trong ngày đầu tiên không kích. Theo Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược (trụ sở tại Mỹ), chi phí ban đầu để làm tê liệt hệ thống phòng không Libya vào khoảng 400-800 triệu USD, còn chi phí duy trì vùng cấm bay ven biển ở mức 30-100 triệu USD/tuần.

Ngày 22-3, Ngoại trưởng Đức thúc giục Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ và khí gas đối với Libya để cắt nguồn tài chính của Tổng thống Moammar Gaddafi.

Minh Long
Theo AP, Reuters, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).