Dự trữ Tamiflu: Cả thế giới có thể mất tiền oan

Các chính phủ khắp thế giới đã chi nhiều tiền để dự trữ thuốc cúm Tamiflu. Ảnh: Huffington Post
Các chính phủ khắp thế giới đã chi nhiều tiền để dự trữ thuốc cúm Tamiflu. Ảnh: Huffington Post
TP - Các nước trên thế giới có thể đã và đang lãng phí rất nhiều tiền khi dự trữ thuốc cúm Tamiflu vì thuốc này chỉ có tác dụng như thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol thông thường, một tổ chức phi lợi nhuận vừa khẳng định.

Riêng chính phủ Anh đã chi 473 triệu bảng (gần 17.000 tỷ đồng) mua dự trữ Tamiflu từ năm 2006, khi có dự báo rằng đại dịch cúm gia cầm có thể giết chết 750.000 người ở nước này. Khoảng 100 chính phủ khác trên thế giới cũng có quyết định tương tự. Tamiflu được kê đơn phổ biến trong dịch cúm gia cầm năm 2009.

Tổ chức phi chính phủ độc lập Cochrane Collaboration có trụ sở tại Anh vừa đưa ra kết luận rằng, Tamiflu không có tác dụng ngăn chặn cúm lây lan hay giảm các biến chứng nguy hiểm, mà chỉ có thể giảm không đáng kể các triệu chứng.

Các công ty dược không công khai tất cả dữ liệu nghiên cứu của họ. Báo cáo của Cochrane là kết quả một quá trình chiến đấu gian nan để thu được những dữ liệu về hiệu quả và tác dụng phụ của Tamiflu mà trước đây bị giấu kín. Nghiên cứu kết luận loại thuốc này giảm sự dai dẳng của các triệu chứng cúm từ 7 ngày xuống 6,3 ngày ở người lớn và 5,8 ngày ở trẻ em. Nhưng các tác giả của báo cáo nói rằng, những loại thuốc khác như Paracetamol cũng có thể có tác dụng tương tự.

Cochrane Collaboration là tổ chức phi lợi nhuận độc lập, gồm hơn 31.000 tình nguyện viên từ hơn 120 quốc gia. Tổ chức này thu thập, nghiên cứu thông tin y tế theo phương pháp có hệ thống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia y tế, bệnh nhân, nhà làm chính sách và những người khác được lựa chọn giải pháp can thiệp y tế theo nguyên tắc dược phẩm dựa trên bằng chứng. Cochrane có quan hệ chính thức với WHO từ tháng 1/2011 với tư cách tổ chức phi chính phủ đối tác.

Về kết luận Tamiflu ngăn chặn các biến chứng như viêm phổi, Cochrane nói rằng, những thí nghiệm được hãng dược thực hiện quá nghèo nàn và thuốc “không có tác dụng rõ rệt nào”. Một trong những lý do cho việc nhiều chính phủ dự trữ Tamiflu là nhằm làm chậm sự lây lan của bệnh cúm, kéo dài thời gian để phát triển vắc-xin.

Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo nói rằng “điều này đơn giản là chưa được chứng minh” và “không có cách đáng tin cậy nào thuốc này có thể ngăn chặn đại dịch”. Báo cáo của Cochrane còn kết luận Tamiflu gây một số tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, các vấn đề về tâm thần, thận, tăng đường huyết.

“Tôi nghĩ toàn bộ số tiền 500 triệu bảng không có lợi gì cho sức khỏe con người theo bất kỳ cách nào, trái lại có thể đã hại mọi người”, ông Carl Heneghan, Giáo sư ngành y học chứng cứ ở Đại học Oxford và là một trong các tác giả của báo cáo, nói với BBC. “Hệ thống hiện nay tạo cơ hội cho các loại thuốc chứa đựng nhiều sai lầm và tạo cơ hội cho việc lạm dụng để người dân bị lừa”, ông Heneghan nói.

Các nhà nghiên cứu của Cochrane không đổ lỗi cho cá nhân hay tổ chức nào, chỉ nói rằng sai lầm xảy ra trong tất cả các khâu từ nhà sản xuất, nhà quản lý đến các chính phủ.

Phản bác

Hãng dược Roche tuyên bố: “Chúng tôi không đồng ý với toàn bộ kết luận”, đồng thời cảnh báo những kết luận này “có nguy cơ gây liên lụy nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng”.

TS. Daniel Thurley, Giám đốc Y tế của Roche, nói: “Nghiên cứu bao gồm các thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên và chúng tôi đã chia sẻ điều này với các nhà quản lý, rồi sau đó, 100 nước khắp thế giới cho phép dùng Tamiflu trong điều trị và ngăn ngừa cúm”.

Ông Thurley nói rằng, nhóm nghiên cứu của Cochrane dùng dữ liệu sai, dẫn đến việc “đánh giá thấp hiệu quả của thuốc một cách có hệ thống” và dùng những phương pháp “không chính thống” để phân tích tác dụng phụ.

Một số chuyên gia khác bất đồng với kết quả nghiên cứu của Cochrane; họ cho rằng, nghiên cứu được tiến hành cùng lúc với chiến dịch đòi công khai kết quả nghiên cứu nên ảnh hưởng đến tính khách quan của kết quả.

Bộ Y tế Anh thông báo, họ thường xuyên đánh giá lại tất cả dữ liệu được công bố và sẽ xem xét kỹ lưỡng bản đánh giá của Cochrane. Là tổ chức chỉ định Tamiflu là loại thuốc cần thiết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói: “Chúng tôi hoan nghênh một phân tích mới và chính xác trên dữ liệu có sẵn, và mong muốn xem xét các kết quả nghiên cứu sau khi báo cáo xuất hiện”.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.