Đức khống chế được COVID-19

Người biểu tình hét vào mặt cảnh sát trong một cuộc biểu tình ở Berlin để phản đối phong toảẢnh: REUTERS
Người biểu tình hét vào mặt cảnh sát trong một cuộc biểu tình ở Berlin để phản đối phong toảẢnh: REUTERS
TP - Khẳng định đã khống chế được virus corona, Đức sẽ cho phép hàng ngàn cửa hàng, hiệu sách, đại lý nội thất và xe hơi mở cửa trở lại từ hôm nay.

Đức khởi động lại một cách thận trọng sau 1 tháng phong toả giúp hạ thấp số ca tử vong và lây nhiễm COVID-19. “Dịch bệnh trở nên dễ kiểm soát hơn từng ngày”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn.

Đức có số lượng người mắc nhiều thứ năm thế giới (143.724), nhưng đứng thứ tám về số người chết (4.538), sau Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Bỉ và Iran.

Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới đã vươn lên để đóng vai trò đi đầu ở châu Âu trong cuộc chiến chống đại dịch, và các bước đi của nước này nhằm giảm bớt hạn chế xã hội và doanh nghiệp sẽ được châu Âu và thế giới theo dõi sát sao để tìm ra dấu hiệu hy vọng hay thận trọng. Tỷ lệ tử vong thấp - khoảng 3% so với mức 13% ở Ý, Anh và Pháp - cũng như thành công của Đức trong việc làm chậm sự lây lan của virus có thể trở thành đề tài nghiên cứu để tìm ra cách quản lý đại dịch tốt hơn trong tương lai.

Theo các chuyên gia, COVID-19 lây lan chậm lại ở Đức là kết quả của nhiều yếu tố: xét nghiệm diện rộng và các biện pháp phong toả quyết liệt ngay từ khi dịch bệnh mới bùng lên; người dân tuân thủ nghiêm các quy định về giãn cách xã hội; một hệ thống y tế công cộng được đầu tư tốt với 1.900 bệnh viện và khoảng 40.000 giường chăm sóc tích cực để sẵn sàng tiếp nhận nhiều bệnh nhân cùng lúc.

Mỗi ngày có hơn 120.000 xét nghiệm virus corona được thực hiện ở Đức. Nước này cũng đã bắt đầu xét nghiệm máu trên hàng ngàn người để tìm kháng thể với COVID-19. Ngược lại, Anh đặt mục tiêu thực hiện được 100.000 xét nghiệm vào cuối tháng Tư, nhưng đến nay mới làm được gần 19.000 xét nghiệm mỗi ngày.

Trong khi nhiều nước đang xảy ra tình trạng thất nghiệp và bất định về kinh tế vì phong toả, hàng tỷ euro từ quỹ phúc lợi xã hội của chính phủ Đức đã được chi để hỗ trợ các doanh nghiệp, công nhân, thậm chí cả người làm việc tự do trong mọi lĩnh vực.

“Chính phủ liên bang và bang đã đạp chân phanh từ giữa tháng 3. Chúng ta giờ có thể nhìn lại và nói đó là một thành công…Tỷ lệ lây nhiễm đã giảm đáng kể”, Bộ trưởng Spahn nói.

Ông cho biết, từ ngày 12/4, số người bình phục đã vượt số ca mắc mới. Đức đã có khoảng 88.000 người bình phục, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, theo thống kê của ĐH Johns Hopkins.

 Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh dù đã cho phép một số thành phần của nền kinh tế mở cửa trở lại, và sẽ đánh giá lại tình hình vào ngày 30/4 để quyết định xem có phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế hay không.

Mỹ có số ca mắc và tử vong nhiều nhất thế giới, với hơn 734.000 người mắc và 38.800 người chết. Phần lớn người Mỹ đang phải chịu các biện pháp hạn chế đi lại ở nơi công cộng và tất cả hoạt động kinh doanh không thiết yếu phải dừng.

MỚI - NÓNG