Đường gập ghềnh chờ tân lãnh đạo Hong Kong

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong một cuộc tiếp xúc với những người ủng hộ trong quá trình tranh cử trưởng đặc khu Hong Kong. Ảnh: Getty Images.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong một cuộc tiếp xúc với những người ủng hộ trong quá trình tranh cử trưởng đặc khu Hong Kong. Ảnh: Getty Images.
TP - Hôm qua, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Hong Kong, Trung Quốc, để trở thành trưởng đặc khu kế tiếp. Nữ lãnh đạo đầu tiên được đại lục ủng hộ phải đối mặt hàng loạt vấn đề, từ một xã hội phân chia chính trị đến chi phí nhà ở cao chót vót.

Bà Lâm giành được 777 phiếu từ ủy ban bầu cử gồm 1.194 thành viên, gồm đa số những người trung thành với đại lục. Bà Lâm, nguyên Tổng thư ký chính quyền Hong Kong đánh bại Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong Tăng Tuấn Hoa (John Tsang Chun-wah) và luật sư Hồ Quốc Hưng (Woo Kwok-hing), hai người giành số phiếu tương ứng là 365 và  21. Theo giới quan sát, bà Lâm được Bắc Kinh ủng hộ hơn, trong khi ông Tăng được nhiều người dân Hong Kong yêu quý hơn nhưng không được chính quyền trung ương tin tưởng hoàn toàn. Đối luật sư Hồ, thắng cử được coi là nhiệm vụ bất khả thi.

Ở tuổi 59, bà Lâm được cho là không có nhiều thời gian để ăn mừng chiến thắng mà phải bắt tay ngay vào giải quyết hàng loạt vấn đề chính trị và xã hội.  Những người ủng hộ dân chủ gọi bà Lâm với biệt danh “CY 2.0” (CY là chữ viết tắt của từ Chấn Anh) vì nữ chính trị gia này được cho là cũng sẽ áp dụng những chính sách cứng rắn như nhà lãnh đạo đương nhiệm Lương Chấn Anh, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin.

Nhưng trước khi được gọi là “CY 2.0”, bà Lâm có biệt danh khác là “chiến binh tốt” nhờ cách xử lý thẳng thắn trong công việc và các vấn đề gây tranh cãi. Dù bà Lâm không chiếm được trái tim và sự ủng hộ của nhiều người Hong Kong, nhưng thực tiễn và kinh nghiệm nhiều năm công chức có thể sẽ giúp bà đứng vững khi phải đối mặt nhiều vấn đề thực tế.

“Khủng bố trắng”

Bà Lâm bắt đầu làm việc cho chính quyền thực dân Anh từ năm 1980 sau khi tốt nghiệp ĐH Hong Kong, ngành xã hội học. Những năm 1990, bà có gần 7 năm làm trong Sở Tài chính, với nhiệm vụ lên kế hoạch chi tiêu ngân sách và kiểm soát chi tiêu. Năm 2000, bà trở thành giám đốc phúc lợi xã hội, đưa ra nhiều cải cách gây tranh cãi như thắt chặt kế hoạch hỗ trợ an ninh xã hội.

Nhưng bà cũng có những hành động khiến người ta phải nhớ đến. Một người dân tên là “Bác Fook” đã gửi thư cho bà Lâm khi bà còn là giám đốc phúc lợi xã hội để kể về hoàn cảnh khó khăn của mình. Bà đã giúp ông này chuyển đến khu nhà dành cho người già. Kể từ đó, bà Lâm vẫn giữ liên lạc và đến thăm người này. Trong đại dịch SARS năm 2003, bà Lâm cùng 3 quan chức khác dùng tiền cá nhân để lập quỹ giúp những đứa trẻ có bố mẹ chết vì dịch bệnh cúm tiếp tục đến trường.

Bà Lâm trước đây luôn phủ nhận việc sẽ cạnh tranh vị trí đứng đầu đặc khu, nhưng rồi đảo ngược quan điểm từ cuối năm ngoái, chỉ một ngày sau khi Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh có tuyên bố gây sốc rằng, ông quyết định sẽ không nỗ lực để được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ.

Chuyển từ công chức sang ứng viên trưởng đặc khu không dễ dàng với bà Lâm. Vài tuần trước khi thôi chức Tổng thư ký, bà vướng vào một cuộc tranh cãi về dự án xây Bảo tàng cung điện giống của Bắc Kinh tại quận tây Kowloon của Hong Kong. Bà Lâm bị cáo buộc đã bỏ qua quy trình theo quy định để thỏa thuận với Bắc Kinh mà không tham vấn người dân Hong Kong. Sau khi chiến dịch tranh cử bắt đầu, bà Lâm bị chê cười là không biết làm nhiều việc thông thường như sử dụng thẻ Octopus để đi tàu điện ngầm hay không biết rõ phải mua giấy vệ sinh ở đâu.

Trang Facebook chính thức của bà được mở khoảng 3 tuần sau khi chiến dịch tranh cử khởi động và nhanh chóng tràn ngập những bình luận tiêu cực. Bà Lâm cho rằng, những hành động này là do các đối thủ chính trị của bà đạo diễn. Trong một cuộc tranh luận bầu cử, bà ví những cuộc tấn công như vậy nhằm vào mình là “khủng bố trắng”.

Ngay cả thư tình mà chồng bà, giáo sư toán học Lam Siu-por, đăng trên Facebook nhân ngày Valentine cũng bị chê cười. Trong thư này, vị giáo sư bày tỏ hy vọng vợ ông thắng cử và “đóng góp cho việc duy trì nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.

Dù bà Lâm gặp nhiều thăng trầm trong sự nghiệp công chức và tranh cử, Bắc Kinh tin rằng, bà là người họ có thể tin tưởng nên vẫn ủng hộ bà, giới phân tích nhận định.

Theo Theo South China Morning Post, Channel News Asia
MỚI - NÓNG