Dưỡng khí hết dần trên tàu ngầm Nga

Dưỡng khí hết dần trên tàu ngầm Nga
Sớm nay, Đô đốc Nga Viktor Fyodorov cho biết, dưỡng khí trên chiếc tàu ngầm mắc cạn chỉ còn đủ cho 7 thuỷ thủ trong 18 giờ nữa. 2 chiếc tàu lặn không người lái Super Scorpio của Mỹ đang được gấp rút đưa tới hiện trường.
Dưỡng khí hết dần trên tàu ngầm Nga ảnh 1
Chuẩn bị tàu lặn Super Scorpio để tham gia cứu hộ các thuỷ thủ Nga.

Ông Fyodorov thông báo với kênh truyền hình Nga Rossiya TV rằng chiếc tàu ngầm mắc nạn đang được kéo lên vùng nước nông hơn. "Chúng tôi đã móc một sợi cáp (vào tàu ngầm)", hãng RIA Novosti trích lời đô đốc cho biết. "Các tàu của chúng tôi đang nâng và kéo tàu ngầm lên".

7h30 sáng hôm nay, Interfax cho biết thiết bị lặn cứu hộ của Nga mang tên Tiger, được đưa xuống hiện trường, đang xem xét vị trí và thân tàu ngầm. Dự kiến các mỏ neo và antenna của tàu ngầm sẽ được cắt bỏ để nó có thể được đưa lên mặt nước nhanh hơn.

Khác với thảm kịch tàu Kursk năm 2000, chỉ vài tiếng sau khi chiếc tàu ngầm quân sự mini Priz bị mắc cạn, giới chức Nga đã lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài. Ngay lập tức, các nước Mỹ, Anh và Nhật Bản đều cho cử các thiết bị cứu hộ của mình tới tham gia chiến dịch giải cứu.

Chiều qua, 2 chiếc tàu lặn điều khiển từ xa và có khả năng lặn sâu mang tên Super Scorpio của Mỹ được cẩu lên một chiếc máy bay chở hàng C-5 của không quân tại thành phố San Diego, để bay tới Petropavlovsk trên bán đảo Kamchatka của Nga. Phát ngôn viên hải quân Mỹ Maria Miller cho biết, đi cùng trên máy bay có một nhóm gồm khoảng 40 chuyên gia điều khiển.

Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh thế giới thứ II, một chiếc máy bay quân sự Mỹ được phép bay tới bán đảo Kamchatka, khu vực tập trung dày đặc các căn cứ quân sự của Nga, đặc biệt là của lực lượng hải quân.

Theo Maria Miller, những chiếc tàu lặn có khả năng cắt đứt dây cáp bằng thép nói trên sẽ được xe tải chở đến một con tàu của Nga, sau đó đưa tới khu vực Priz bị mắc cạn, để tham gia hoạt động cứu hộ. Mỗi chiếc Super Scorpio dài 1,2 mét, rộng 1,2 mét, trọng lượng 2.045 kg và có khả năng lặn sâu tới 1.520 mét. Trên chiếc tàu lặn này được trang bị hệ thống kìm cắt cáp và hai cẩu trục.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bryan Whitman thì nhấn mạnh, hành động của Mỹ là sự tiếp bước việc hải quân hai nước Mỹ và Nga đang ngày càng thắt chặt trong các nỗ lực cứu hộ dưới biển. Quân đội hai cường quốc này mới thực hiện một cuộc tập trận cứu hộ dưới nước ở Địa Trung Hải, ngoài khơi Italy, hồi tháng 6 vừa qua.

Cũng trong chiều qua, một chiếc tàu lặn Scorpio của Anh được cẩu lên máy bay vận tải quân sự C-17 để đi Kamchatka. Theo kế hoạch, nó sẽ đáp xuống thành phố Petropavlovsk-Kamchatsky vào khoảng 7h chiều nay giờ địa phương.

Chiếc tàu ngầm mini của hải quân Nga Priz được đóng năm 1989, có thể hoạt động dưới độ sâu khoảng 1.000 mét, còn địa điểm nó bị mắc cạn sâu 190 mét tại khu vực Vịnh Beryozovaya. Tuy nhiên độ sâu này cũng là quá lớn khiến các thuỷ thủ không thể tự mình thoát khỏi tàu. Một chiếc tàu ngầm cùng cỡ với AS-28 Priz từng tham gia nỗ lực cứu hộ bất thành chiếc tàu ngầm nguyên tử Kursk năm 2000.

MỚI - NÓNG