Đường sắt - mục tiêu mới của những tổ chức khủng bố

Đường sắt - mục tiêu mới của những tổ chức khủng bố
(TPO) Các hệ thống giao thông công cộng đang là mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố. Cảnh báo này được đưa ra sau các vụ tấn công tại London ngày hôm qua 7/7.
Đường sắt - mục tiêu mới của những tổ chức khủng bố ảnh 1
Vụ đánh bom ở Madrid hồi tháng 3/2004

Bằng chứng rõ nhất về việc đường sắt đang là mục tiêu tấn công của phần tử khủng bố là vụ tấn công ngày 11/3/2004 nhằm vào 4 đoàn tàu ở 3 nhà ga của Madrid.

10 quả bom phát nổ gần như đồng thời đúng vào giờ cao điểm đã làm 191 người thiệt mạng và ít nhất 1.800 người khác bị thương.

Theo Tiến sĩ Jonathan Eyal - Giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh ở London, có nhiều điểm tương đồng trong các vụ tấn công ở London và Madrid.

Giống như các vụ tấn công ở Madrid, các vụ tấn công ở London cũng nhằm vào hệ thống giao thông công cộng: Các ga tàu điện ngầm, nằm giao nhau với các nhà ga đường sắt, khiến hàng nghìn hành khách đi trên tàu bị mắc kẹt trong gần 1 giờ. Một điểm tương đồng nữa là, những kẻ khủng bố chủ tâm sát hại được càng nhiều người càng tốt bằng việc tấn công vào nhiều mục tiêu khác nhau cùng vào một thời điểm.

Điện thoại di động – vũ khí mới của những kẻ tấn công khủng bố đường sắt

Trong vụ tấn công ở Tây Ban Nha, 10 quả bom phát nổ gần như đồng thời, được coi là một trong số những vụ tấn công tổ chức tinh vi nhất từ trước đến nay trong lịch sử nhằm vào hệ thống đường sắt. Các nhân viên điều tra sau đó đã phát hiện việc kích nổ 10 quả bom được những kẻ khủng bố điều khiển bằng điện thoại di động.

3 tháng sau vụ đánh bom ở Madrid, một phần tử khủng bố người Ai Cập bị bắt giữ ở Milan với lời cáo buộc có liên quan đến âm mưu tấn công hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Paris. Các chuyên gia an ninh cho biết kế hoạch tấn công của tên khủng bố này được thiết kế giống hệt vụ đánh bom ở Madrid.

Theo các nhà điều tra, tên khủng bố định sử dụng một chương trình phần mềm tải về từ Internet cho phép gửi tin nhắn kích họat đồng thời máy điện thoại di động và cho phép điều khiển từ xa việc kích nổ quả bom.

Tên khủng bố chọn điện thoại di động làm phương tiện kích nổ quả bom vì tại một số ga tàu điện ngầm lớn ở Paris, điện thoại di động vẫn hoạt động bình thường.

Chọn đường sắt, vì sao?

Theo một chuyên gia hàng đầu về an ninh đường sắt của Mỹ, một vụ tấn công vào hệ thống đường sắt gây thiệt hại lớn hơn so với một cuộc tấn công nhằm vào sân bay. Hơn nữa đây là khu vực có độ kiểm soát an ninh thoáng hơn so với ở sân bay và các bến cảng.

Điều này được chứng minh qua hàng loạt vụ tấn công xảy ra trong thời gian qua tại một số quốc gia.

Bản báo cáo công bố tại Hội nghị về an toàn của ngành công nghiệp đường sắt tổ chức ở Mỹ thời gian qua cho thấy từ năm 1998 đến 2003 có 181 vụ tấn công nhằm vào các đoàn tàu trên tòan thế giới. Các vụ tấn công tập trung tại các quốc gia như: Colombia, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Pakistan, Anh, Mỹ và Venezuela.

Bom - vũ khí chủ yếu 

Năm 2004, 2 vụ tấn công nhằm vào hệ thống đường sắt: Một ở ga tàu điện ngầm Moscow làm ít nhất 39 người thiệt mạng, hơn 100 người khác bị thương và một vụ ở ga tàu điện ngầm thuộc ngoại ô Moscow làm 12 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Chính phủ Nga cho rằng thủ phạm của những vụ tấn công này là các phần tử ly khai người Chechenya.

Mùa hè 1995, một loạt vụ tấn công nhằm vào hệ thống đường sắt ở Paris đã xảy ra. Tháng 7/1995, một quả bom phát nổ trước đầu đoàn tàu chở khách làm 8 người thiệt mạng, 100 người khác bị thương. Cơ quan tình báo Pháp tình nghi những phần tử Hồi giáo người Algeri là thủ phạm tiến hành các vụ tấn công nói trên.

Năm 1997, những phần tử cực đoan Hồi giáo cũng âm mưu tiến hành một vụ đánh bom nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm của New York. 4 năm sau đó, một nhóm khủng bố khác cũng lập kế hoạch cho nổ các xe tải chở đầy chất nổ ở các đường hầm và các cây cầu của New York.

Vụ tấn công bằng khí độc tại ga tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo năm 1995 do giáo phái Aum Shinrikyo tiến hành đã cho thấy mối đe dọa lơ lửng về việc những kẻ khủng bố có thể sử dụng các loại vũ khí giết người hàng loạt để tấn công hệ thống đường sắt.

Một trong số những vụ tấn công gây hậu quả nặng nề nhất nhằm vào hệ thống giao thông công cộng là vụ tấn công bằng bom nhằm vào nhà ga ở Bologna (Italia) năm 1980 làm ít nhất 75 người thiệt mạng.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".