Myanmar:

Em bé tị nạn chết úp mặt xuống bùn

Cậu bé Mohammed Shohayet, 16 tháng tuổi, chết úp mặt xuống bùn
Cậu bé Mohammed Shohayet, 16 tháng tuổi, chết úp mặt xuống bùn
TP - Bức ảnh cậu bé tị nạn Mohammed Shohayet, 16 tháng tuổi, chết úp mặt vào vũng bùn trên đường lánh nạn từ Myanmar sang Bangladesh gây rúng động thế giới về số phận của những người thiểu số Hồi giáo ở bang Rakhine của Myanmar.

Đây là bức ảnh thứ hai về cái chết thương tâm của một em bé tị nạn gây rúng động thế giới, sau bức ảnh cậu bé 3 tuổi người Syria, Alan Kurdi, chết úp mặt trên bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2015.

Kể về cái chết thương tâm của con trai, anh  Zafor Alam nghẹn ngào nói: “Một người nào đó gọi điện cho tôi và nói rằng đã tìm được thi thể con trai tôi. Người đó chụp ảnh và gửi vào điện thoại di động cho tôi. Tôi chết đứng người khi nhìn thấy bức ảnh. Tôi chẳng thiết sống trên cuộc đời này vì vợ và hai con tôi đã chết trên đường chạy trốn sang Bangladesh”.

Chính phủ Myanmar không thừa nhận những người Hồi giáo Rohingya là công dân nước này, mà cho rằng họ là những người di cư từ Bangladesh sang chiếm đất Myanmar từ nhiều đời nay. 

Anh Alam kể: “Trong làng, máy bay trực thăng quần thảo trên bầu trời và nã pháo vào chúng tôi, binh lính Myanmar cũng nổ súng vào chúng tôi. Chúng tôi không thể ở lại trong nhà của mình. Chúng tôi phải chạy trốn vào rừng. Ông bà tôi đã bị thiêu chết. Toàn bộ làng của tôi đã bị quân đội đốt phá. Chẳng còn lại cái gì”.

Theo anh Alam, hiện có khoảng 1 triệu người Hồi giáo Rohingya; họ đang bị quân đội chính phủ săn lùng ráo riết sau sự kiện 9/10/2016 - một số sỹ quan quân đội Myanmar bị tấn công bởi một số người nghi là người Hồi giáo. 

Anh Alam cùng nhiều người dân trong làng đã tìm đường tháo chạy qua biên giới sang Bangladesh. Anh kể: “Tôi đã đi bộ 6 ngày, không có gì vào bụng, đêm không thể ngủ được. Chúng tôi luôn phải thay đổi địa điểm vì bị quân đội truy tìm”.

Trong cuộc chạy trốn đó, cuối cùng, anh Alam bơi qua sông Naf nằm ở biên giới Myanmar - Bangladesh và được các ngư dân Bangladesh cứu sống. Sau đó, anh liên hệ dân chài, nhờ họ cứu vợ con anh đang kẹt lại vì không thể bơi qua sông. Anh Alam kể, ngày cuối cùng anh liên lạc qua điện thoại với vợ con là 4/12/2016. 

Anh nói chuyện với vợ và nghe được giọng nói của cậu út ở đầu dây bên kia: “Cha ơi, cha ơi”. Chỉ vài giờ sau cú điện thoại, anh Alam được biết, cả gia đình anh đã tìm cách vượt sông. Thuyền chở quá nhiều người nên bị chìm. Hôm sau, anh Alam nhận được hung tin: Vợ và hai con trai đã chết sau khi thuyền chìm xuống sông.

Tổ chức Di cư quốc tế cho biết, chỉ trong vài tuần gần đây, đã có 34.000 người  Rohingya vượt sông sang Bangladesh. Anh Alam chua chát nói: “Chỉ  dòng sông này mới biết là có bao nhiêu thi thể đã bị nhấn chìm”. Giờ anh sống cùng em gái 18 tuổi, em trai 14 tuổi trong trại tị nạn Leda ở Bangladesh. Anh nói: “Gia đình bé nhỏ của tôi chẳng còn ai. Vợ và hai con trai tôi đã chết. Tất cả đã kết thúc”.

Tuần qua, sau khi một đoạn video được tung lên mạng, chính quyền Myanmar thông báo sẽ điều tra những cảnh sát đã đánh đập dân làng Rohingya một cách tàn bạo.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.