EU đạt được thỏa thuận về Hiệp ước cải cách

EU đạt được thỏa thuận về Hiệp ước cải cách
TP - Sáng 23/6, tại Brussels (Bỉ) các nhà lãnh đạo cấp cao Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về những nội dung chính cho bản Hiệp ước mới về điều hành Liên minh nay đã phát triển thành 27 thành viên.
EU đạt được thỏa thuận về Hiệp ước cải cách ảnh 1
Chủ tịch Ủy ban châu Âu J.Barroso tặng hoa cho bà Angela Merkel – Thủ tướng Đức, Chủ tịch luân phiên EU Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo EU công bố việc đã đạt được sự thỏa hiệp rằng tạm gác lại đến năm 2014 mới bắt đầu áp dụng hệ thống bầu cử mới đa số kép vốn bị Ba Lan phản đối.

Thành công lớn của Hội nghị cấp cao EU là đã đạt được thỏa thuận rằng bản Hiệp ước mới sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay. Nội dung chính của bản hiệp ước này giữ lại được hầu hết các nội dung nêu trong bản dự thảo Hiến pháp EU từng bị các cử tri một số thành viên bác bỏ hồi năm 2005.

Tất nhiên, sau khi các nước ký kết bản Hiệp ước mới, vẫn cần có sự phê chuẩn của quốc hội các quốc gia thành viên trước khi bản Hiệp ước có hiệu lực vào giữa năm 2009. Năm nội dung chính được thỏa thuận tại Hội nghị cấp cao EU lần này là:

Hoãn việc áp dụng hệ thống bầu cử đa số kép đến năm 2014; Kéo dài nhiệm kỳ của Chủ tịch Liên minh EU chuyên trách; Sẽ có một bộ trưởng ngoại giao EU với chức vụ quyền lực đầy đủ được cấp ngân sách đầy đủ nhằm làm cho EU tham gia được nhiều hơn vào các vấn đề của thế giới; Giảm bớt số quốc gia có quyền phủ quyết; Tăng thêm quyền lực cho Nghị viện châu Âu trong khi làm tinh giản hơn nữa Ủy ban châu Âu.

Việc đạt được thỏa thuận về Hiệp ước mới EU lần này đã mở đường cho sự cải cách cơ cấu của Liên minh. Đương kim Chủ tịch luân phiên EU, bà Thủ tướng Liên bang Đức Angela Merkel cho biết, các nhà lãnh đạo cấp cao EU “rất, rất hài lòng với kết quả mà Hội nghị vừa đạt được”.

Bà Merkel thừa nhận rằng Hội nghị đã phải làm việc rất vất vả để thỏa hiệp được với lập trường của Ba Lan, Anh và Hà Lan vì các nước này cương quyết bảo vệ lợi ích của họ. Trở ngại chính là phía Ba Lan đòi giữ nguyên sức nặng lá phiếu của Vácsava như hiện nay.

Theo đó, lãnh đạo Ba Lan đòi lá phiếu của Ba Lan có sức nặng tương đương với của Đức mặc dù dân số của Ba Lan chỉ bằng nửa dân số của Đức. 

Hệ thống bầu cử đa số kép được thực hiện theo từng giai đoạn, theo đó năm 2014 mới  bắt đầu vạch lộ trình thực hiện và ba năm sau đó mới chính thức thực hiện đầy đủ.

Theo hệ thống này, để phủ quyết một dự luật EU cần phải có một đa số 55% của tổng các quốc gia thành viên EU với tổng dân số ít nhất là 65% tổng dân số EU ủng hộ.

Các quốc gia đấu tranh mạnh ở Hội nghị cấp cao EU như Anh, Hà Lan cũng đạt được những mục tiêu mà họ đề ra. Anh vẫn muốn giữ nguyên quyền kiểm soát toàn diện các chính sách đối ngoại của Liên hiệp Anh.

Còn Hà Lan được thỏa mãn vì đưa được vào bản dự thảo Hiệp ước một đoạn văn nêu rõ vai trò của quốc hội các nước thành viên được tăng cường và việc mở rộng thành viên phải được dựa vào tiêu chí cụ thể.

Thủ tướng Đức bà Merkel cho rằng, kết quả nói trên đã chứng tỏ châu Âu đang chuyển động và chuyển động theo hướng đi đúng đắn.

Đ.P
Theo BBC

MỚI - NÓNG