EU sẽ ra sao nếu ông Nicolas Sarkozy thất cử?

Lo âu và thất vọng đang hiện trên khuôn mặt của ông Sarkozy
Lo âu và thất vọng đang hiện trên khuôn mặt của ông Sarkozy
Ngày 6-5, cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu vòng 2 để chọn ông Sarkozy hay ông Hollande làm tổng thống. Trong bối cảnh lãnh đạo các nước EU đang "nghiêm túc nhận định" thất bại của ông Sarkozy là "hầu như không tránh khỏi", tại châu Âu, sự xuất hiện của Hollande trên chính trường "có nguy cơ mở ra một giai đoạn mới, tế nhị tại châu Âu”.

> Hollande và “di sản” của Sarkozy

Chỉ mành treo chuông

Kết quả bầu cử tổng thống Pháp vòng một cho thấy ứng cử viên Francois Hollande của đảng Xã hội giành được 28,2% số phiếu bầu, trong khi đó, Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy chỉ nhận được 27% số phiếu bầu.

Kết quả trên có thể báo hiệu sự chấm dứt 17 năm cầm quyền của các chính phủ theo đường lối trung dung và bảo thủ, đồng thời đánh dấu sự trở lại của một chính phủ xã hội tại Pháp.

Theo một số chuyên gia, nếu ông Sarkozy không thắng được nhiệm kỳ thứ hai-như nhiều điều tra dư luận dự đoán trước vòng bỏ phiếu thứ nhất-thì có lẽ nguyên nhân chính là do ông gây ra phản cảm nặng nề với nhiều người Pháp.

Ông Sarkozy là vị tổng thống duy nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp bị ghét công khai tới mức cao độ.

Ông Sarkozy chỉ có thời gian rất ngắn để đảo ngược tình thế và phải giành được sự ủng hộ của các cử tri đã bỏ phiếu cho bà Le Pen của đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu hoặc ông Francois Bayrou theo đường lối trung dung.

Các nhà phân tích nhận định rằng số phiếu bầu đạt 18,6% (đứng thứ 3) của bà Le Pen sẽ không lấy gì làm dễ chịu đối với ông Sarkozy.

Nhà phân tích chính trị Carine Marce nói: “Điều khó dự đoán nhất là những cử tri đã bỏ phiếu cho bà Le Pen trong vòng một sẽ thay đổi lá phiếu của họ như thế nào trong vòng hai. Hiện tại, chúng tôi nhận thấy rằng sẽ chỉ có một số lượng rất ít cử tri này quay sang ủng hộ ông Sarkozy. Nếu tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức như trong các cuộc thăm dò dư luận thì khả năng ông Sarkozy giành chiến thắng gần như là rất thấp”.

Các nhà phân tích cho rằng ông Sarkozy đã không thể xoa dịu sự tức giận của của tri đối với nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông vốn để lại một nền kinh tế đi xuống và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Trong khi đó, ông Hollande được lợi từ làn sóng chống đối ông Sarkozy mặc dù Tổng thống đương nhiệm tìm mọi cách chỉ trích chương trình “thuế và tiêu dùng” của đối thủ đảng Xã hội là thảm họa tiềm tàng đối với nền kinh tế Pháp.

Trong bối cảnh cuộc chạy đua chỉ còn lại 2 ứng cử viên thì sự thất vọng của dân chúng Pháp đối với ông Sarkozy thậm chí sẽ còn đóng vai trò quan trọng hơn trong vòng bầu cử tiếp theo.

Nhà phân tích chính trị Remy Lefebvre khẳng định: “Cuộc bầu cử hiện nay còn được coi là ‘cuộc trưng cầu dân ý chống lại ông Sarkozy’, điều này sẽ được thể hiện rõ nét hơn nhiều trong vòng thứ hai”.

EU sẽ sống dậy?

Cuộc đổi ngôi chính trị ở Pháp có thể gây ra những tác động lớn đối với Pháp và tương lai của châu Âu, và khởi đầu cho một cuộc tranh cãi quyết liệt mới về chính sách kinh tế trên lục địa già.

Đối mặt với các nền kinh tế suy sụp, sự không ổn định của đồng euro và mệt mỏi với các gói cứu trợ, Pháp và châu Âu đang phải vật lộn để giải quyết vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách, với phe cánh hữu ủng hộ cắt giảm chi tiêu và thực hiện các biện pháp khắc khổ, trong khi cánh tả ủng hộ việc tăng thuế.

Nếu ông Hollande trở thành Tổng thống sau vòng bầu cử thứ hai vào ngày 6/5, điều này có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Cả thế giới đều đã biết ông Hollande có ý định “cho đàm phán lại” hiệp ước ngân sách mà lãnh đạo 25 nước thành viên EU đã ký ngày 2-3. Không cần đợi kết quả vòng hai bầu cử Tổng thống Pháp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy đã có động thái “nương theo thực tế”.

Trong bài phát biểu tại Bruxelles ngày 26-4, Van Rompuy đã phát đi tín hiệu đầu tiên về tăng trưởng và điều tiết tài chính và hàm ý coi đây là một trục trong các phát biểu tiếp theo của mình.

Tuy nhiên, ông Van Rompuy không muốn mở cửa cho viễn cảnh đàm phán lại toàn bộ Hiệp ước ngân sách châu Âu. “Đàm phán lại sẽ làm tổn hại đến sự ổn định và phát đi một tín hiệu xấu đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu” – một người thân cận của ông nhấn mạnh.

Tin tưởng ở thắng lợi ngày 6-5 tới, ông Hollande đang rất quan tâm soạn thảo một bị vong lục về việc định hướng lại châu Âu.

Tài liệu này dự kiến sẽ được chính phủ mới tại Pháp thông qua vào nửa cuối tháng 5 trước khi chuyển cho các đối tác châu Âu để EC có thể nhóm họp vào tháng 6.

Ông Hollande đã cam kết đảo ngược lại tiến trình kinh tế mà ông Sarkozy đã thực hiện trong 5 năm qua, với tuyên bố tăng chi tiêu chính phủ, giảm thời gian của tuần làm việc, giảm tuổi về hưu, tăng lương tối thiểu và đánh thuế 75% đối với những người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm.

Những chính sách này sẽ tạo ra căng thẳng với Đức, khi mà Thủ tướng Angela Merkel đã công khai ủng hộ sự tái cử của ông Sarkozy chủ yếu bởi vì Sarkozy ủng hộ những luận cứ của bà về cắt giảm chi tiêu chính phủ, giảm nợ và cho rằng các biện pháp khắc khổ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Âu.

Ông Sarkozy đang tập trung hơn vào cắt giảm chi tiêu, giảm thuế và tự do hóa thị trường lao động.

Đáp lại tuyên bố ngày 26-4 của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc cương quyết bác bỏ đề xuất đàm phán lại Hiệp ước ngân sách châu Âu, ông Hollande đã nhấn mạnh “không phải một mình nước Đức có quyền quyết định đối với toàn bộ châu lục” và khẳng định “những gì người dân Pháp sắp thực hiện sẽ làm thay đổi cục diện tại” châu Âu.

Theo ông Hollande, bắt buộc phải đàm phán lại Hiệp ước ngân sách, bởi “cả thế giới đều đang nói cần có tăng trưởng” chứ không chỉ đề cập đến chính sách thắt lưng buộc bụng và “châu Âu là lục địa duy nhất hiện nay không có tăng trưởng”.

Thắng lợi của ông Hollande tại vòng một đã đánh dấu sự trỗi dậy của cánh tả tại Pháp sau một thế hệ “thăng trầm”. Đây là một thời điểm then chốt, không chỉ đối với nước Pháp mà cả châu Âu.

Và đâu đó ở các thủ đô Liên minh châu Âu, người ta đã bắt đầu nghĩ đến một sự sụp đổ của phe đối lập với cánh tả. Kỷ nguyên hậu Sarkozy sẽ ra sao? Trước hết, có nên nhìn nhận ở đây một dấu hiệu vùng dậy của cánh tả châu Âu, khi hiện chỉ có Đan Mạch là có một chính phủ xã hội dân chủ?

Kết quả bầu cử ở Pháp cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với phe xã hội dân chủ ở Đức, những người sẽ đối đầu với Thủ tướng Merkel trong các cuộc bầu cử năm 2013.

Viễn cảnh của một sự thay đổi chính trị tại Paris có thể làm sống dậy một châu Âu hiện đang có nguy cơ biến mất trong bối cảnh kinh tế khắc nghiệt và chủ nghĩa tự do mới đang thống trị khắp châu lục. Và đây không thể là một thay đổi tiêu cực.

Theo petrotimes.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG