EU thông qua gói tài chính thứ 2 cứu Hy Lạp

Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, và Cao ủy Tiền tệ châu Âu Olli Rehn Ảnh: IHT
Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, và Cao ủy Tiền tệ châu Âu Olli Rehn Ảnh: IHT
TP - Ngày 21-2 tại Bỉ, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro thông qua gói cứu trợ tài chính 172 tỷ USD để cứu chính phủ Hy Lạp khỏi bị vỡ nợ.

> G20 tìm cách cứu Hy Lạp

Đổi lại, chính phủ Hy Lạp phải chấp nhận thực hiện các chính sách và biện pháp tài chính thắt lưng buộc bụng và những điều kiện khắc nghiệt khác.

Thỏa thuận nói trên có thể được coi là một bước ngoặt mới trong cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang đe dọa sự tồn tại của chính đồng euro.

Các chuyên gia Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro phải họp suốt đêm mới có thể vượt qua được những bất đồng về số nợ được thu hẹp của Hy Lạp.

Theo đó, Hy Lạp sẽ phải giảm số nợ công của mình từ mức 160% GDP hiện nay xuống còn 120,5% vào năm 2020. Hy Lạp còn phải giảm mạnh chi tiêu chính phủ, gồm cả việc giảm chi cho ngành dược hơn 1,3 tỷ USD riêng trong năm nay, cắt tiền làm thêm giờ tổng cộng 66 triệu USD của các thầy thuốc, tiết kiệm chi tiêu quân sự khoảng 396 triệu USD, bỏ chức danh phó thị trưởng ở các thành phố để tiết kiệm gần 40 triệu USD/năm…

Sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, cuối cùng, các ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu chính phủ Hy Lạp đồng ý chấp nhận bị mất 53,5% giá trị tính theo mệnh giá trái phiếu.

Sự thua thiệt này cộng với số tiền mà các ngân hàng hồi tháng 10 năm ngoái đồng ý nhận mức lỗ 50% mệnh giá trái phiếu chính phủ Hy Lạp khiến cho các chủ nợ thiệt hại khoảng 75%.

Ngoài việc nhận được sự nhượng bộ của các chủ nợ tư nhân, chính phủ Hy Lạp còn được hưởng mức lãi suất thấp đối với khoản tiền được vay từ gói giải cứu tài chính cho Athens.

ECB đồng ý từ bỏ lợi nhuận thu được từ các khoản trái phiếu chính phủ Hy Lạp mà ngân hàng này đang nắm giữ, đồng thời hứa sẽ chuyển trả lại cho Athens những khoản lợi nhuận mà ECB đã kiếm được. Theo qui dịnh của ECB, điều này sẽ được điều chỉnh thông qua các nước thành viên khu vực đồng euro.

Hồi tháng 5-2010, chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và IMF cùng cung cấp cho chính phủ Hy Lạp gói cứu trợ tài chính đầu tiên trị giá 146 tỷ USD.

Cùng với những ưu đãi tài chính cho chính phủ Hy Lạp, các qui định nghiêm ngặt hơn về nợ công và thâm hụt tài chính trong các nước khu vực đồng euro cũng đã được vạch ra.

Dự kiến, tuần tới, các nước sử dụng đồng euro thông qua bức tường lửa mới cao hơn đối với những thành viên rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính. Các bộ trưởng tài chính EU còn đạt được thỏa thuận lập một quĩ mới lâu dài với số vốn 660 tỷ USD gọi là Cơ chế Bình ổn châu Âu.

Quĩ này sẽ chính thức ra đời vào tháng 7 năm nay, trở thành một quĩ song hành với quĩ tạm thời Cơ sở bình ổn Tài chính châu Âu.

Đ.P
Theo International Herald Tribune

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG